Mở rộng cho vay cá nhân

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 3 năm qua. Đây là tín hiệu tốt cho các NH, trong đó tín dụng cá nhân đóng góp một phần không nhỏ. Nhiều gói ưu đãi cho vay cá nhân được tung ra, bên cạnh việc đã có “kinh nghiệm” trong quản trị lịch sử tín dụng của khách hàng, nhiều NH cũng bắt đầu gia tăng khả năng chấp nhập rủi ro ở phân khúc bán lẻ.

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 3 năm qua. Đây là tín hiệu tốt cho các NH, trong đó tín dụng cá nhân đóng góp một phần không nhỏ. Nhiều gói ưu đãi cho vay cá nhân được tung ra, bên cạnh việc đã có “kinh nghiệm” trong quản trị lịch sử tín dụng của khách hàng, nhiều NH cũng bắt đầu gia tăng khả năng chấp nhập rủi ro ở phân khúc bán lẻ.

Cá nhân dễ dàng vay vốn

 

Trong kế hoạch năm 2015, Sacombank dành 6.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất từ 6,88%/năm. Trong đó 400 tỷ đồng ưu đãi cho vay tiêu dùng, 600 tỷ đồng ưu đãi cho vay mua xe ô tô, 1.500 tỷ đồng ưu đãi cho vay sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, 2.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay mua/xây/sửa chữa bất động sản…

Tuy nhiên chỉ mới bước qua quý II-2015, Sacombank tiếp dục dành gói 3.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh khách hàng cá nhân. Cũng để đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cá nhân, PVcomBank có gói 3.000 tỷ đồng từ đầu năm đến hết quý II với mức lãi suất được áp dụng 0,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất sẽ tính dựa trên lãi suất tiền gửi của NH kỳ hạn 13 tháng cộng thêm biên độ 1-4,5%/năm.

Từ đầu năm 2015, nhiều NH đã tung ra các gói tín dụng dành cho khách hàng là cá nhân với hạn mức hàng ngàn tỷ đồng, chủ yếu cho vay mua bất động sản, vay sửa chữa nhà, vay mua ô tô và tiêu dùng cá nhân. Lãi suất cho vay tại các NH cũng khá cạnh tranh. Trong nhóm NH quốc doanh, gói 1.000 tỷ đồng cho vay khách hàng bán lẻ của VietinBank đến hết 21-7, mức lãi suất 8,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 10%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn.

Cho vay tài chính cá nhân đang tăng nhanh hơn mức tăng bình quân của tín dụng kể từ năm ngoái. Điều này do các NH nhận thấy cho vay cá nhân có lợi suất cao hơn so với cho vay doanh nghiệp. Cho vay tín chấp, cho vay mua xe đang là những sản phẩm phổ biến bên cạnh cho vay mua và sửa nhà, bởi các sản phẩm này đều có lợi suất cao.

Thời gian ưu đãi lãi suất tối đa 6 tháng. Tại nhóm NHTMCP, ABbank có gói 1.000 tỷ đồng cho vay trung, dài hạn lãi suất từ 8%/năm trở lên cố định trong 12 tháng đầu tiên. Tại TPbank, lãi suất cho vay mua nhà, ô tô,  tiêu dùng, kinh doanh trong chương trình ưu đãi áp dụng mức lãi suất từ 3,9%/năm trong 3 tháng đầu và 7,9%/năm cố định trong 2 năm đầu.

Tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm 2015 được đánh giá khá tích cực, đặc biệt ở nhóm NHTMCP có mức tăng trưởng ấn tượng trong quý đầu năm như Techcombank tăng 10,5%, VPbank và OCB tăng 8%, SHB tăng 7,5%, NamAbank tăng 5,29%...

Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết tín dụng đối với toàn nền kinh tế tính đến 20-5 ước tăng 4,26%, trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 1,11%. Đây cũng là mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Theo lãnh đạo một NH, tăng trưởng tín dụng tốt một phần nhờ NH đa dạng hóa dịch vụ, chú trọng vào thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt cho phân khúc khách hàng cá nhân.

Mở rộng NH bán lẻ

Kết quả kinh doanh năm 2014 của Sacombank với tăng trưởng huy động đạt 24% và tín dụng tăng 16%. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết dư nợ khối cá nhân chiếm hơn 50% dư nợ khách hàng của NH, tín dụng vượt chỉ tiêu cả năm nhờ NH cho vay phân tán, nhỏ lẻ và biên lợi nhuận thu về trong hoạt động cho vay ở phân khúc này tương đối lớn.

Báo cáo năm 2014 của VPbank cho thấy, từ ngày 1-7 đến 31-12-2014, hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính TNHH MTV NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) sau khi mua lại đã đóng góp 116,32 tỷ đồng doanh thu và 71,5 tỷ đồng lợi nhuận vào kết quả kinh doanh của VPbank. Nếu tính cả năm 2014, đơn vị này đã đóng góp vào VPbank hơn 192 tỷ đồng doanh thu và hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận trong số 1.253 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của NH này.

Để tập trung vào mảng cho vay cá nhân, các NH đang lựa chọn một trong các phương án là thành lập công ty tài chính, hoặc mua những công ty đã có sẵn. Các “ông lớn” như BIDV, VietinBank, hay ACB, Sacombank, Nam A Bank, OCB đều tham gia vào làn sóng này bằng việc lên kế hoạch thành lập công ty tài chính.

Theo lãnh đạo các NH muốn tập trung hoạt động tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy mảng bán lẻ, việc lập công ty tài chính cho vay tiêu dùng là cần thiết trong bối cảnh này. Trước đây vấn đề lớn nhất là thiếu dữ liệu lịch sử tín dụng của khách hàng cá nhân và thiếu sự tin cậy trên giấy tờ. Tuy nhiên hiện nay các NH đã đầu tư vào công nghệ xử lý cho NH bán lẻ và đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đo lường và quản trị rủi ro của mảng NH bán lẻ. Tỷ lệ không trả nợ của mảng NH bán lẻ nếu hoạt động hiệu quả còn thấp hơn của mảng NH bán buôn.

Bên cạnh đó là sự sáp nhập của một số công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt vào các NH trong nửa năm qua, trước khi có quy định bắt buộc các NH phải cung cấp nhiều loại sản phẩm cho vay tiêu dùng thông qua các công ty này. Xu hướng tăng nhanh của cho vay cá nhân đã được thiết lập và nhu cầu vay cá nhân cũng cao. Trên thực tế, hạn chế duy nhất ở đây chính là khả năng chấp nhận rủi ro của mảng NH bán lẻ và hiện khả năng này đang tăng lên.

Cạnh tranh trong ngành NH ngày càng khốc liệt. Đặc biệt ở phân khúc khách hàng tổ chức, doanh nghiệp dư địa không còn quá lớn và đã bị nhiều NH lớn chiếm lĩnh. Trong khi đó phân khúc khách hàng cá nhân, tín dụng vi mô còn nhiều dư địa và thường có biên lợi nhuận khá cao. Do vậy, trong thời gian qua nhiều NH đã tập trung vào phân khúc bán lẻ. Lợi thế sẽ thuộc về những NH năng động và có hệ thống cơ sở hạ tầng, quản trị tốt hơn. 

Các tin khác