Kiên trì kiềm chế giá

Như ĐTTC đã đề cập, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1% so với tháng 12-2011 đã mang đến những tín hiệu tích cực đầu năm về việc kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức một con số.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới 2012 được dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, thậm chí có khả năng xảy ra suy thoái trên diện rộng. Trong bối cảnh này, để lạm phát năm nay được giữ như mục tiêu đề ra cần phải kiên trì trong việc kiềm chế, ổn định giá bởi diễn biến gần đây cho thấy giá cả năm nay sẽ hết sức khó lường.

Chẳng hạn, mặt hàng gas trong một tháng trở lại đây đã tăng giá mạnh, thêm hơn 70.000 đồng, lên mức 425.000-470.000 đồng/bình. Đáng ngạc nhiên khi gas là mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu được Nhà nước bình ổn giá, nhưng thực tế sau nhiều lần tăng giá, cơ quan quản lý giá cả là Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được các lý giải cũng như biện pháp để kiềm chế.

Trong khi đó, theo các cơ quan quản lý (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính) và Hiệp hội Gas Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas theo phương thức mua đứt bán đoạn, giá gas biến động theo thị trường (tương tự như mặt hàng thuốc, sữa bột…) và do các quy định hiện hành dường như chỉ nắm được một số “người có tóc”, nghĩa là những doanh nghiệp có cổ phần nhà nước từ 50% trở lên.

Việc tăng giá hợp lý hay không của những doanh nghiệp kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hàng nhập khẩu, lại không phải là doanh nghiệp nhà nước, rất khó kiểm soát.

Một diễn biến bất lợi khác đối với việc kiềm chế giá năm 2012 được đề cập thời gian gần đây là dịch cúm H5N1 đã quay trở lại sau gần 2 năm. Nếu dịch này không kiểm soát được và lây lan trên diện rộng, chắc chắn thực phẩm sẽ chịu nhiều tác động tăng giá.

Trong khi đó, thực phẩm là một trong những mặt hàng ảnh hưởng rất lớn đến việc tính CPI của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều mặt hàng quan trọng khác, là đầu vào của nhiều ngành kinh tế đang chịu rất nhiều áp lực về giá cả do những diễn biến khó lường, như giá điện, xăng dầu - vốn thường được điều chỉnh mỗi năm vài lần.

Mặt khác, những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn như: mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm dẫn đến chi phí của nền kinh tế cao, sức cạnh tranh yếu; hạ tầng thương mại yếu kém, hệ thống phân phối chồng chéo không hợp lý đẩy chi phí lưu thông tăng; thiên tai, dịch bệnh trong năm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những tác động bất lợi sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, có thể gây khó khăn cho việc cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó là việc chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số dịch vụ quan trọng như điện, xăng dầu, than bán cho điện, viện phí, học phí… Trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ để kiềm chế lạm phát hiện không còn nhiều, những diễn biến trên đang đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 cao nhất khoảng 9%.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, năm 2012 Chính phủ xác định tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11. Đây là điều hoàn toàn đúng đắn bởi thực tế diễn biến giá cả thị trường kể từ năm 2007 đến nay (ngoại trừ năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới), CPI nước ta luôn “vượt” kế hoạch đề ra và đều tăng ở mức hai con số.

Ngoài những ảnh hưởng biến động của kinh tế thế giới, của bản thân nền kinh tế, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia còn do sự thiếu kiên trì, đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách, nhất là chính sách tài chính, tiền tệ cũng như thiếu những biện pháp kiểm soát có hiệu quả giá cả, cung cầu các loại hàng hóa thiết yếu.

Thí dụ, đầu năm 2008, Chính phủ đưa ra 8 nhóm giải pháp chống lạm phát (trong đó có kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giãn tiến độ một loạt dự án), nhưng tới cuối năm, với khủng hoảng tài chính toàn cầu và lo lắng về tăng trưởng, các giải pháp này lại được nới ra dẫn đến lạm phát năm 2008 tăng mạnh (gần 19%).

Chính vì vậy, việc kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 11, không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm, sẽ mang lại những yếu tố tích cực, đó là kinh tế vĩ mô sẽ đi vào ổn định, kiềm chế lạm phát sẽ thành công. Đây là điều hết sức quan trọng vì nó sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.

Các tin khác