TPHCM - tăng hiệu quả DNNN sau CPH

(ĐTTCO) - Bên cạnh ngành nghề đầu tư kinh doanh chính, nhiều doanh nghiệp nhà  nước (DNNN) vẫn còn tham gia đầu tư ngoài ngành, trong đó hầu hết tập trung lĩnh vực bất động sản (BĐS).
 Đó là báo cáo của UBND TPHCM với Đoàn giám sát Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa (CPH) DNNN.
Đầu tư ngoài ngành không hiệu quả
Trong năm 2011 các DNNN và DN có vốn nhà nước sau CPH có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính hơn 13.400 tỷ đồng, còn lại đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài ngành nghề chính như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, BĐS…
Tuy nhiên, những năm sau đó việc đầu tư này có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2011 đầu tư ngoài ngành chiếm hơn 4.000 tỷ đồng, đến năm 2016 giảm chỉ còn hơn 2.300 tỷ đồng, do các DN thực hiện việc thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và lộ trình thoái vốn do UBND TP ban hành.
Trong giai đoạn 2011-2016, tổng giá trị đầu tư của các DN chủ yếu vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính, bình quân chiếm 81,13% trên tổng giá trị đầu tư; tỷ suất sinh lời đầu tư ngoài ngành bình quân 18,92% (cao hơn mặt bằng lãi suất huy động). 
TPHCM - tăng hiệu quả DNNN sau CPH ảnh 1 HFiC sẽ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thuộc UBND TPHCM để đầu tư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. 
Một trong những lĩnh vực các DNNN tham gia đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính là mảng BĐS. Có thể kể ra như Tổng Công ty Bến Thành, Cấp nước Sài Gòn, Công nghiệp Sài Gòn, Du lịch Sài Gòn…
Việc đầu tư tham gia ngoài ngành chưa có đánh giá một cách đầy đủ, nhưng ghi nhận tại một số DN thực hiện đầu tư dự án cho thấy chưa được hiệu quả. Quá trình CPH DNNN thời gian qua được lãnh đạo UBND TP chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều khó khăn, phát sinh. 
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết Quốc hội muốn nghe TP báo cáo những khó khăn, đánh giá tình hình CPH một cách toàn diện. Theo đó, các quy định pháp luật đã đảm bảo chưa; cản trở như thế nào trong quá trình CPH; quá trình sử dụng vốn như thế nào; cơ chế quản lý nhà nước trong DNNN còn những vấn đề gì tồn tại… Xung quanh việc CPH DNNN cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, như có cần thoái vốn triệt để hay không, cần nắm tỷ lệ bao nhiêu…
Sau CPH bộ máy linh hoạt hơn
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND TPHCM, cho biết giá trị vốn nhà nước tại các DN CPH theo sổ sách trước khi xác định lại hơn 4.745 tỷ đồng; tổng giá trị sau khi xác định lại trên 9.338 tỷ đồng (tăng 96,76%). Nhìn chung giai đoạn 2011-2016, các DN đã bảo toàn và phát triển vốn nhà  nước, vốn chủ sở hữu tăng bình quân 8,85%/năm; các DN thuộc TP cơ bản đảm bảo nguồn vốn để kinh doanh, không chịu áp lực đi vay; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của đa số DN không quá 3 lần theo quy định.
Tổng vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31-12-2016 hơn 10.170 tỷ đồng, tăng 59,67% so với năm trước CPH. Doanh thu tại thời điểm ngày 31-12-2016 hơn 9.963 tỷ đồng, tăng 0,47% so với năm trước CPH. Lợi nhuận trước thuế 473,7 tỷ đồng, giảm 48,22% so với năm trước CPH. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu 4,67%, có xu hướng giảm so với năm trước CPH… 
Những con số trên cho thấy các DN CPH hiệu quả kinh doanh thấp so với năm trước CPH. Nguyên nhân được cho những năm đầu sau CPH chi phí khấu hao tăng cao do đánh giá lại tài sản, phân bổ chi phí lợi thế kinh doanh, chi phí bảo hiểm… Tuy nhiên, trong năm 2017, hiệu quả của 32 DN CPH đã được nâng cao, tăng 6,47% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt hơn 563 tỷ đồng tăng 5,62% so cùng kỳ. Bộ máy quản trị, điều hành DN nhạy bén, linh hoạt hơn…
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP, cho biết sẽ tiến hành rà soát, xác định rõ phạm vi ngành, lĩnh vực quan trọng nào cần có DNNN, DN có vốn nhà nước chi phối để xây dựng kế hoạch cơ cấu lại DNNN, CPH, thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc tập trung những lĩnh vực then chốt, thiết yếu mà TP cần thế mạnh, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách TP, lĩnh vực DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; những địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng của TP; quản lý giám sát chặt chẽ việc huy động vốn, sử dụng vốn của DNNN, DN có vốn nhà nước, các dự án đầu tư, nguồn vốn mua bán, sáp nhập DN; thực hiện minh bạch tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính… 

Các tin khác