TPHCM đẩy mạnh đầu tư theo PPP

(ĐTTCO) - Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được kỳ vọng là một kênh có hiệu quả nhằm huy động nguồn lực từ xã hội góp phần trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ công tại TPHCM. 
 
TPHCM đẩy mạnh đầu tư theo PPP
Ngân sách chỉ đáp ứng 20% nhu cầu

Phát biểu tại hội nghị tổng kết đánh giá tình hình triển khai hoạt động thu hút đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức PPP, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Thí dụ, vốn cho hạ tầng giao thông, chống ngập nước gần 500.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách dành cho nhóm này chỉ 31,8%.
“PPP là hình thức đầu tư tốt, mang lại lợi ích lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong Nhân dân, DN để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn tới trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn” - ông Phong nhấn mạnh. 

Tính đến nay trên địa bàn TP có tổng cộng 23 dự án đầu tư theo PPP đã ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 71.172 tỷ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. Bên cạnh đó TP có tổng cộng 130 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai theo PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường, xây dựng, chung cư cũ, chỉnh trang đô thị, y tế giáo dục, văn hóa thể thao…
Ngoài ra TP đang tiếp tục kêu gọi đầu tư 116 dự án theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 136.741 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020. 

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, dù số lượng dự án thực hiện theo hình thức PPP chỉ chiếm khoảng 5% số dự án đầu tư công của TP, nhưng nguồn vốn huy động từ các dự án này lớn gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công của TP giai đoạn 2011-2015. Để tạo thuận lợi cho đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước đã ban hành các Nghị định 15/2015/NĐ-CP và  30/2015/NĐ-CP, chính quyền TP cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ. Song trong quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc. 

Dự án di dời các hộ dân sống ven và trên kênh rạch quận 8 được đầu tư theo hình thức PPP..
Ảnh: LONG THANH
 
Cần gỡ khó

Theo Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), dù luôn chủ động và tích cực làm việc với các cơ quan chuyên môn để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến, triển khai đối với từng dự án, nhưng việc triển khai dự án theo hình thức PPP vẫn rất chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân được HFIC chỉ ra, là việc triển khai dự án theo PPP, ngoài theo quy định của Nghị định 15/2015/NĐ-CP, còn phụ thuộc vào nhiều quy định tại Luật Đầu tư công, Luật DN, Luật Đấu thầu… và các thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan.
Các dự án theo hình thức PPP thường có quy mô lớn, quá trình xúc tiến và nghiên cứu cũng như hồ sơ trình duyệt phải qua nhiều bước, trong khi quy định về thủ tục đầu tư từng bước lại yêu cầu phải xin ý kiến nhiều đơn vị và cơ quan chuyên môn trước khi thẩm định trình UBND TP quyết định phê duyệt, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. 

Cũng bàn về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án theo hình thức PPP, ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3, cho biết hiện quận 3 đã triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, đô thị và điều này góp phần giảm chi từ ngân sách nhà nước.
Điển hình trong lĩnh vực y tế là dự án nâng cấp trang thiết bị trạm y tế phường 11, quận 3. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 12 phường của quận 3 làm theo mô hình này, trong đó vốn của nhà đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Thái đánh giá thời gian hoàn thiện các thủ tục hiện nay vẫn quá dài và các nhà đầu tư mong mỏi các thủ tục này được rút ngắn. 

Trước những chia sẻ về các vướng mắc, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), cho biết hiện đơn vị đang đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị định 15/2015/NĐ-CP và 30/2015/NĐ-CP liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi và quy định chặt chẽ hơn trong thu hút đầu tư theo hình thức PPP.
Theo đó, đối với một số nội dung sửa đổi Nghị định 15, dự kiến yêu cầu tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu; làm rõ khái niệm tổng vốn đầu tư, ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án PPP; chương trình mục tiêu cho vốn đầu tư PPP; đề nghị áp dụng hợp đồng tương tự, bổ sung thêm các chế tài xử lý vi phạm.
Đối với Nghị định 30, dự kiến bổ sung và làm rõ một số nội dung như: quy định thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư; hình thức lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định thầu hình thức BT đối với các dự án ưu tiên; tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; cung cấp thông tin trong đấu thầu…

Việc chỉnh sửa nghị định cho phù hợp thực tiễn là hết sức cần thiết, song ý kiến cho rằng đã đến lúc phải có luật đầu tư theo hình thức PPP sẽ phù hợp và thực tế hơn.

Các tin khác