TKV đầu tư không hiệu quả (K2): Những dấu hiệu sai phạm

(ĐTTCO) - Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2010-2015 TKV và các công ty trực thuộc kê khai sai sản lượng khai thác hàng chục triệu tấn than, có biểu hiện né thuế, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu khi đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị, dẫn đến đội vốn các dự án hàng chục ngàn tỷ đồng.
Né thuế tài nguyên
Theo Thanh tra Chính phủ, giá tính thuế tài nguyên đang được các cơ quan thuế áp dụng là giá TKV thanh toán cho các đơn vị nhận thầu khai thác các mỏ, không phải giá bán than trên thị trường. Theo quy định Luật Thuế tài nguyên số 45, TKV phải kê khai nộp thuế tài nguyên trên cơ sở giá đơn vị bán ra thị trường.
Kết quả thanh tra tại một số đơn vị thuộc TKV, đã phát hiện có sự chênh lệch rất lớn giữa giá bán ra trên thị trường và giá tính thuế tài nguyên tại một số đơn vị cần xử lý, tránh thất thu ngân sách.
Cụ thể, trong 5 năm qua chênh lệch giá bán giữa Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả với Công ty tuyển than Cửa Ông là 24.179,7 tỷ đồng; chênh lệch giá bán giữa Công ty Kho vận Hòn Gai với Công ty tuyển than Hòn Gai là 5.802,4 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra cho rằng cần xử lý việc này theo quy định (tạm tính thuế suất 5%) tại 2 DN tuyển than 1.499,1 tỷ đồng.
 Với những sai phạm được làm rõ trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của Thanh tra Chính phủ, sớm xet xét, điều tra, để xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trước mắt, tổng số tiền và đất đai qua thanh tra phát hiện, kiến nghị xử lý 14.882,4 tỷ đồng và 6.697.567m2 nhà, đất. Trong đó, thu hồi 1.872,596 tỷ đồng và tiền sử dụng đất trên.
Kiểm tra xác minh tại Công ty tuyển than Cửa Ông, cơ quan thanh tra nhận thấy việc kê khai thuế tài nguyên của các mỏ mới được xác định theo sản lượng than quy sạch ước tính. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng lượng than cục thu hồi thực tế sau sàng, tuyển cao hơn nhiều số than quy sạch đã kê khai nộp thuế tài nguyên hơn 1,6 triệu tấn than.
Vì vậy, số tiền TKV phải nộp bổ sung thuế tài nguyên do kê khai tỷ lệ than cục quy sạch thiếu chính xác tại than Cửa Ông là 56,3 tỷ đồng. Tương tự, do kết quả giám định, kê khai sản lượng than nộp thuế tài nguyên trong 5 năm qua thiếu chặt chẽ, không chính xác, không đúng quy định, dẫn đến chênh lệch lớn về khối lượng than thu hồi sau sàng tuyển, vì vậy TKV phải nộp bổ sung thuế tài nguyên 91,6 tỷ đồng.
Đối với nghĩa vụ thuế thu nhập DN, quá trình thanh tra cũng phát hiện TKV không thực hiện điều chỉnh giảm thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản lãi chênh lệch tỷ giá là 468,6 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 391,3 tỷ đồng, và chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản 445,5 tỷ đồng. Điều này vi phạm các quy định pháp luật về thuế thu nhập DN, do vậy cơ quan thanh tra xác định thuế thu nhập DN của TKV phải truy thu trong 5 năm lên tới 92 tỷ đồng.
TKV đầu tư không hiệu quả (K2): Những dấu hiệu sai phạm ảnh 1 Khai thác than tại Công ty tuyển than Cửa Ông. 
Chục triệu tấn than bốc hơi
Thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại TKV, cơ quan thanh tra cũng phát hiện công tác giám định than mua bán tại một số DN trực thuộc TKV thực hiện không nghiêm, dẫn đến kết quả xác định giá, điều chỉnh giá mua bán than thiếu chính xác, chất lượng, sản lượng than thu hồi sau sàng, tuyển có sự chênh lệch rất lớn.
Nguy cơ thất thoát tài sản riêng tại Công ty tuyển than Cửa Ông giai đoạn 2010-2015 ước tính khoảng 1.833,9 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong giai đoạn 2010-2015, chi phí sản xuất trung bình mỗi năm của TKV khoảng 55.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí cho hoạt động bóc đất đá, khai thác, vận chuyển than.
Kiểm tra một số khoản chi phí vận chuyển, đổ thải đất, bóc đất đá tại các CTCP than Hà Lầm, Núi Béo, Hà Tu, Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai tăng bất hợp lý khoảng 754,6 tỷ đồng. Riêng tại 2 công ty Cao Sơn và Đèo Nai, khối lượng đất đá được các đơn vị nghiệm thu, thanh toán cho các đơn vị thuê ngoài có sự chênh lệch lớn về khối lượng vận chuyển, tăng 54,7-75,7%, lệch khối lượng vận chuyển 43,45 triệu tấn, trị giá thanh toán sai khoảng 347 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TKV và các công ty trực thuộc đã thực hiện một số hợp đồng mua bán than không đúng quy định, phát sinh nợ quá hạn không có khả năng thu hồi. Cụ thể, TKV và CTCP Xi măng Hữu Nghị (Phú Thọ) đã ký hợp đồng mua bán than để giao dịch 136.000 tấn than các loại trong năm 2011, tiến độ thanh toán 7 ngày sau khi bên bán bàn giao than.
TKV đã giao cho Công ty Sông Hồng thực hiện giao than, đối chiếu công nợ với CTCP Xi măng Hữu Nghị. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, dù thực hiện thanh toán đúng tiến độ nhưng Sông Hồng và TKV vẫn thực hiện giao hàng, dẫn đến bên bán chiếm dụng vốn, không có khả năng thanh toán, phát sinh công nợ và không có khả năng thu hồi 21,3 tỷ đồng. 
Tương tự, tại CTCP Xi măng Hà Giang, TKV đã ký hợp đồng bán 22.500 tấn than cám 4a, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng bên mua không thực hiện đúng tiến độ hợp đồng thanh toán, dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ 6,74 tỷ đồng.

Đội vốn hàng chục ngàn tỷ đồng
Cũng trong giai đoạn 2011-2015, TKV và các công ty có vốn góp chi phối đã thực hiện đầu tư 19 dự án nhóm A, tổng mức đầu tư lên tới 78.000 tỷ đồng. Trong đó có 10 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 42.000 tỷ đồng lên 77.059 tỷ đồng; 10 dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Hầu hết dự án đầu tư mở rộng sản xuất do TKV và các đơn vị thành viên Hà Lầm, Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu… làm chủ đầu tư đều bị kéo dài, thiết kế kỹ thuật không phù hợp với thiết kế cơ sở, một số dự án không phê duyệt kế hoạch đấu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ này TKV cũng thực hiện đầu tư 1.100 dự án mua sắm máy móc, thiết bị với tổng mức đầu tư khoảng 17.600 tỷ đồng. Trong đó có 92 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 1.940 tỷ đồng, có dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tới 3 lần. Trong hoạt động mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ khai thác mỏ, Tổng giám đốc TKV đã ký văn bản cho phép các đơn vị trực thuộc ký hợp đồng mua sắm trực tiếp máy móc, thiết bị qua đơn vị trung gian thuộc TKV là không đúng quy định của Luật Đấu thầu. 
Cụ thể, lãnh đạo TKV đã cho phép các đơn vị thành viện ký hợp đồng mua 73 tàu điện từ CTCP Cơ điện Uông Bí, trị giá 82,5 tỷ đồng; chỉ định thầu không đúng quy định cho CTCP Đầu tư, thương mại và dịch vụ TKV thực hiện bán máy móc, thiết bị cho các đơn vị thuộc TKV. Điều này ảnh hưởng đến chi phí tiêu thụ 64,4 tỷ đồng, giá xe ô tô mua về tăng 3-14%. TKV cũng chỉ định CTCP Coalimex mua sắm máy móc, thiết bị để bán cho các đơn vị khai thác thuộc TKV với tổng giá trị 13,2 triệu USD; chỉ định thầu cho CTCP Du lịch và Thương mại với tổng giá trị 230,6 tỷ đồng.
Theo cơ quan thanh tra, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên tại 6 công ty con Núi Béo, Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, Hà Lầm và CTCP Đầu tư, thương mại và dịch vụ có nhiều sai phạm. Các công ty con này được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cấp phép khai thác trên diện tích 3.160ha, tại thời điểm thanh tra 515,4ha chưa được các đơn vị ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. TKV đã chấp thuận cho Công ty than Thống Nhất đầu tư 1.336 tỷ đồng để xây dựng mỏ nhưng chưa được Bộ TN-MT cấp phép là vi phạm Luật Khoáng sản.

Các tin khác