Tiềm năng đầu tư vào 3 tỉnh Trung Lào

(ĐTTCO) - Ngày 19-7, Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch vào 3 tỉnh Trung Lào: Savannakhet, Khammoun và Bolykhamsay. 

Tại hội nghị, rất nhiều dự án và các chương trình ưu đãi đầu tư đã được giới thiệu đến các DN Việt Nam. 

Nhiều dự án mời gọi

 Nhằm giúp các DN TPHCM có thêm thông tin về các tỉnh của nước bạn Lào vào ngày 27-7 tới đây, đoàn lãnh đạo cấp cao của TPHCM sẽ có chuyến thăm kết hợp tổ chức Hội chợ triển lãm và Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tại Viêng Chăn, Champasak và Savannakhet.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết hiện có hơn 30 DN TPHCM đang đầu tư tại Lào, với tổng vốn hơn 250 triệu USD. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo TP mong muốn thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao thương giữa TPHCM và 3 tỉnh Trung Lào.
“Tôi hy vọng các sở, ngành của TP và 3 tỉnh Trung Lào cùng các DN tích cực trao đổi về các lĩnh vực cùng quan tâm, về cơ chế phối hợp trong việc triển khai các hoạt động đầu tư, từ đó xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả. Lãnh đạo TP cũng mong chính quyền các tỉnh Trung Lào tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN nước ngoài, trong đó có DN Việt Nam đến hoạt động tại đây”. 

Phía 3 tỉnh Trung Lào đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư Việt Nam trong thời gian qua và đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Việt Nam nhiều dự án đang kêu gọi đầu tư. Ông Santiphap Phomvihan, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet, thông tin hiện có 25 DN Việt Nam đầu tư vào tỉnh với tổng số vốn 170 triệu USD.
Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của DN Việt Nam là trồng cây công nghiệp và khai thác khoáng sản. Song hiện Savannakhet đang ưu đãi đầu tư đối với các hoạt động: Hoạt động công nghệ cao-hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; nông nghiệp sạch, hữu cơ; công nghiệp chế biến nông sản thân thiện môi trường; phát triển du lịch bền vững; giáo dục, thể dục thể thao, phát triển nguồn nhân lực và tay nghề lao động; dịch vụ y tế, bệnh viện; trung tâm mua sắm thương mại hiện đại, trung tâm trưng bày triển lãm và hội chợ…
Đặc biệt, Tỉnh trưởng Savannakhet lưu ý về tô nhượng đất để khai thác khoáng sản, trồng cao su và bạch đàn, hiện nay tỉnh Savannakhet chưa có chính sách xúc tiến, bởi trong thời gian này tỉnh đang tổ chức thống kê, quy hoạch đất đai và cân nhắc giải quyết số lượng việc làm. 

Đến với hội nghị lần này, tỉnh Khammoun giới thiệu tới các nhà đầu tư 13 dự án mới gọi đầu tư trong năm 2017. Bao gồm xây dựng và phát triển khu kinh tế Lẳng-khăng; chế biến sản phẩm từ lúa gạo; xây dựng công trình, phục vụ vận chuyển hàng hóa (logistics); xây dựng hệ thống thủy lợi ở cửa xả số 1 thủy điện Nặm-thơn 2; xây dựng nhà máy xay xát gạo hiện đại; xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh; xây dựng nhà máy sản xuất bao bì…
Tỉnh Bolykhamsay mời gọi các nhà đầu tư từ Việt Nam đến với các dự án về công nghiệp thương mại; các dự án xúc tiến du lịch và dịch vụ cũng như các dự án khuyến khích nông nghiệp. Để khuyến khích các nhà đầu tư, các DN Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực này, 3 tỉnh Trung Lào đều có những chương trình ưu đãi đầu tư hết sức hấp dẫn.

Lĩnh vực cao su tại Lào được DN Việt đầu tư rất lớn. 

Hấp dẫn ưu đãi

Đại diện tỉnh Savannakhet cho biết thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư theo ngành nghề, lĩnh vực, theo vùng, chính sách khuyến khích về hải quan, thuế, sử dụng đất đai và các chính sách khác. Về đầu tư theo ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên, nhà đầu tư phải có vốn đầu tư ít nhất 150.000USD, sử dụng chuyên viên Lào từ 30 người trở lên, sử dụng lao động Lào từ 50 người trở lên với hợp đồng lao động có thời hạn ít nhất 1 năm.
Chính sách khuyến khích theo vùng chia thành 3 vùng: Vùng 1 là vùng nghèo, vùng sâu xa, các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thuận lợi cho đầu tư; Vùng 2 có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi; Vùng 3 là khu kinh tế đặc biệt. Trước quan tâm của DN về việc tỉnh có thể đảm bảo lực lượng lao động cho DN hay không, đại diện Savannakhet khẳng định có lực lượng lao động ổn định, chi phí lao động thấp và quan trọng hơn với vị trí thuận lợi nên DN có thể dễ dàng tiếp cận thêm nguồn lao động từ các tỉnh khác xung quanh. 

Vốn đầu tư cũng là điều nhận được sự quan tâm của một số DN tham gia trong hội nghị lần này. Giải đáp một phần những băn khoăn ấy, ông Hà Đức Thành, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Lào Việt tại tỉnh Savannakhet, cho biết ngân hàng ưu tiên hỗ trợ cho các DN Việt Nam đầu tư tại Lào với điều kiện mở là thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay. Đến nay riêng tại tỉnh Savannakhet, Ngân hàng Lào Việt đã hỗ trợ vốn vay cho 5 dự án của DN Việt Nam với số vốn khoảng 5 triệu USD. Tỉnh Khammoun cũng mang đến những thông tin về các chính sách khuyến khích đầu tư.
Theo đó, với chính sách đầu tư chung, không phải là khu kinh tế đặc thù thì căn cứ vào lĩnh vực đầu tư và khu vực đầu tư. Lĩnh vực được khuyến khích đầu tư như: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Việc khuyến khích đầu tư quy định thành 3 khu vực trên cơ sở vị trí địa lý, địa điểm, điều kiện về kinh tế - xã hội và mỗi khu vực có 3 mức độ ưu đãi tùy theo lĩnh vực đầu tư khác nhau. Khu vực 1 là khu vực có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp sẽ được khuyến khích đầu tư mức độ cao nhất. Giai đoạn miễn giảm thuế thu nhập được tính từ ngày tiến hành kinh doanh và việc miễn giảm thuế thu nhập tính từ ngày có lợi nhuận trở đi. 

Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hưởng chính sách về thuế xuất nhập khẩu và các thuế khác. Đối với đầu tư trong khu kinh tế đặc biệt, ngoài chính sách giống với đầu tư trong khu vực khác, còn có chính sách đặc biệt cho nhà đầu tư về miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; miễn giảm thuế thu nhập; quyền sử dụng đất; làm thẻ lao động và xin cấp visa xuất nhập cảnh nhiều lần hàng năm…

Các tin khác