Thương mại Mỹ - Trung leo thang: Ứng phó tỷ giá phù hợp

(ĐTTCO) - Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quyết định tiếp tục áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 24-9, và có thể tăng thuế lên 25% từ 1-1-2019. Trao đổi với ĐTTC, TS.TRẦN TOÀN THẮNG, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho rằng đó là động thái Hoa Kỳ gia tăng sức ép với Trung Quốc trên bàn đàm phán.
 Và với xu hướng Hoa Kỳ gia tăng bảo hộ thương mại, Việt Nam cần có những giải pháp để tận dụng cơ hội, giảm tác động tiêu cực.
Đặt cược trên bàn đàm phán
PHÓNG VIÊN: - Ông bình luận thế nào về việc Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc?
TS. TRẦN TOÀN THẮNG: - Đây là động thái mới, nhưng cũng vẫn diễn ra theo những tuyên bố trước đó của chính quyền Trump. Cả hai đợt áp thuế trước (khoảng 50 tỷ USD) và đợt này đều diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ đã và  đang có kế hoạch đàm phán, cho nên có thể cho rằng việc áp thuế lần này đã có dự tính, và thời điểm được lựa chọn theo hướng có lợi nhất, gia tăng sức ép của Hoa Kỳ trên bàn đàm phán.
Danh mục trên 6.000 dòng sản phẩm bị áp thuế hầu hết đã được đưa vào sử dụng, bao gồm cả hàng phụ trợ, nguyên liệu, lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng (trừ một số sản phẩm của Apple, mũ bảo hiểm xe đạp, ghế ngồi trẻ em…). Điều này sẽ tác động ngay và trực tiếp đến số đông người Hoa Kỳ, không chỉ tác động đến một số DN nhập khẩu đầu vào như trước đây, mà người tiêu dùng cuối cùng.
Chính vì thế có thể khẳng định Hoa Kỳ đã hy sinh khá lớn lợi ích để dồn sức cho cuộc chiến này. Tuy nhiên, cũng cần chú ý các cuộc đàm phán vẫn đang được lên kế hoạch và mục tiêu của Hoa Kỳ là gì vẫn chưa rõ ràng, vì vậy khó định đoán được các bước tiếp theo.  
Thương mại Mỹ - Trung leo thang: Ứng phó tỷ giá phù hợp ảnh 1 Xuất khẩu hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ có nhiều lợi thế, nhưng cũng dễ rủi ro bởi tỷ giá. Ảnh: VIẾT CHUNG 
- Theo ông mục đích cuối cùng của cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng là gì?
- Với hành động ăn miếng trả miếng của cả hai bên, phải coi rằng cuộc chiến đã nổ ra. Thực ra trước đây, khi nhìn vào dòng thương mại và con số thâm hụt của Hoa Kỳ với Trung Quốc, cũng như cơ cấu xuất nhập khẩu cho thấy cả hai bên đều được lợi, và cuộc chiến nếu chỉ vì mục tiêu cân bằng thâm hụt thương mại như tuyên bố ban đầu của ông Trump, thì về mặt logic sẽ khó xảy ra.
Tuy nhiên, cho đến nay cho thấy, lý do cân bằng thương mại không phải là lý do duy nhất. Trong nhiều trường hợp, người ta sẽ hy sinh lợi ích ngắn hạn để đạt được mục tiêu thay đổi luật chơi, cũng hạn chế các tầm ảnh hưởng dài hạn của đối thủ.
Có nhiều thông tin cho thấy lý do địa chính trị, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, hoặc lý do ngăn chặn rò rỉ công nghệ, hoặc tốc độ phát triển công nghệ được nhiều người đề cập hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này có thể nói rất khó đoán định được các bước tiếp theo. 

Lợi xuất khẩu, rủi ro tỷ giá
- Vậy Việt Nam sẽ chịu tác động thế nào từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thời gian tới cuộc chiến này sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng GDP?
- NCIF đã đưa ra nhiều công bố thông tin về tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam. Với kịch bản Hoa Kỳ áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, có thể nói bao gồm rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Tác động tích cực là cơ hội xuất khẩu của Việt Nam do sức cạnh tranh về giá tăng lên.
Tuy nhiên, cần chú ý hai vấn đề, một là những mặt hàng mà Việt Nam đang lợi thế xuất khẩu là những mặt hàng tiêu dùng thông thường, có độ co dãn về giá thấp; hai là rất nhiều nước khác cũng xuất vào Hoa Kỳ các mặt hàng này. Vì vậy cơ hội mặc dù có nhưng không phải là quá lớn. 
Nhìn vào tăng trưởng GDP năm 2018, có thể xuất khẩu sẽ tăng cao hơn một chút so với mục tiêu trên 8%, tuy nhiên lợi ích của xuất khẩu cho tăng trưởng hiện nay đã có xu hướng giảm. Tôi cho rằng tác động rủi ro tỷ giá sẽ rất lớn và ảnh hưởng tới lãi suất và lạm phát, vì vậy sẽ ảnh hưởng mạnh tới tăng trưởng.
Tuy nhiên, GDP cả năm nay vẫn có thể đạt được tốc độ tăng 6,8%, do 2 quý đầu năm đã có tốc độ tăng khá cao, giảm sức ép cho cuối năm. Nhưng nếu lạm phát có xu hướng tăng do các yếu tố về giá dầu, hoặc biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm và đầu năm 2019.
- Ông có lo ngại hàng Trung Quốc sẽ tràn qua Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, và những ngành hàng cụ thể nào của Việt Nam sẽ chịu tác động nhiều nhất?
- Có 2 khía cạnh. Với hàng nguyên liệu, đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ rẻ đi, do áp lực thị trường cũng như do đồng nhân dân tệ (NDT) có thể giảm giá nên nhập khẩu tăng lên. Điều này có lợi cho DN, đặc biệt là các DN FDI.
Tuy nhiên, nhập khẩu hàng tiêu dùng cuối cùng cũng sẽ có xu hướng tăng, vì thế ảnh hưởng tiêu cực đến các DN Việt Nam. Tôi cho rằng các nhóm ngành hàng dệt may, hoặc máy móc cơ khí đáng chú ý trong thời gian tới, tương tự như vậy là thép và các sản phẩm cho ngành xây dựng.
- Việt Nam cần có giải pháp ứng phó thế nào để tận dụng được cơ hội, và giảm tác động tiêu cực?
- Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, có ngành được lợi, có ngành thiệt hại, vì vậy cần nhiều thời gian để phân tích hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn tìm mọi cách để có phản ứng tỷ giá phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chú ý tới dự trữ ngoại hối và thu hút thêm FDI để cải thiện cán cân ngoại hối.
Đồng thời cần phân tích sâu hơn để có các phương án dài hơi do Hoa Kỳ có thể gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.
- Xin cảm ơn ông.
 Theo tính toán của NCIF, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tác động tiêu cực tới GDP của Việt Nam, làm giảm khoảng -0,5% tăng trưởng, thời điểm giảm sâu nhất từ năm 2022 - 2023, sau đó tác động giảm dần. Tác động này không tính đến vấn đề biến động tỷ giá cũng như các đối sách tức thời của các đối tác của Việt Nam. 

Các tin khác