Thương mại điện tử muốn thắng phải chất lượng

(ĐTTCO) - Trước đòi hỏi của người mua về dịch vụ giao hàng vừa nhanh, vừa rẻ, hầu hết các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đều đang tập trung nâng cấp dịch vụ. 
Ngày 1-10 vừa qua, Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ - Công ty chủ quản sàn TMĐT Sendo.vn và dịch vụ giao hàng GrabExpress (thuộc nền tảng ứng dụng Grab) đã chính thức công bố hợp tác triển khai gói dịch vụ “Giao hàng Siêu tốc 3h” nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người mua hàng tại Sendo.vn ở khu vực TPHCM. Trước đó chỉ khoảng nửa tháng, Sen Đỏ đã công bố hợp tác chiến lược với DHL eCommerce Việt Nam, thành viên công ty vận chuyển giao nhận toàn cầu DHL. Theo đó sẽ phân bổ hơn 300 điểm giao nhận Sen Đỏ - DHL trên toàn quốc, từ đó giải quyết bài toán về tốc độ và chi phí giao nhận. 
Theo chia sẻ của ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sen Đỏ, cách đây khoảng 2 năm khi hỏi khách hàng về TMĐT, họ bày tỏ những băn khoăn về thời gian giao hàng và nhận hàng rồi có được đổi trả không. Nhưng thời điểm này khi Việt Nam có tới khoảng 2/3 dân số sử dụng internet, mua bán qua mạng cũng trở nên phổ biến hơn nhiều, khách hàng mong muốn khi mua hàng qua các trang TMĐT là làm sao giao hàng thật nhanh với chi phí thật rẻ. Đó là lý do Sen Đỏ liên tục hợp tác với các đối tác vận chuyển để cải thiện dịch vụ ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, dù có giao hàng nhanh tới đâu, một yếu tố không thể bỏ qua khi mua hàng qua mạng, trên các trang TMĐT hiện nay chính là chất lượng hàng hoá. Đó cũng là lý do mà phần nhiều người mua vẫn chỉ chọn những mặt hàng có giá trị, vừa phải đồng thời khi mua không phải quá cân nhắc về chất lượng. 
Thực ra, bán hàng không như quảng cáo không chỉ là chuyện xảy ra ở một số trang TMĐT lớn, mà tình hình chung của hình thức mua sắm trực tuyến ở Việt Nam hiện nay. Điều này khiến người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào hình thức mua sắm trực tuyến. Đó cũng là lý do chính khiến cho thị trường TMĐT Việt Nam dù luôn được đánh giá là tiềm năng, với những con số ấn tượng như tăng trưởng 25%/năm và quy mô có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, nhưng thực tế TMĐT mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị ngành bán lẻ, một con số còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Dù vậy, nhìn ở mặt tích cực, thách thức này sẽ trở thành cơ hội nếu các DN trong mảng TMĐT có thể vượt qua. Cũng vì thế mà nhiều ông lớn nước ngoài đã, đang vào thị trường Việt Nam như Alibaba, Tencent, JD.Com…  thông qua các thương vụ rót vốn hoặc mua lại cổ phần. Rất có thể thời gian tới, Amazon cũng sẽ chính thức đổ bộ vào Việt nam. Bởi lẽ thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân quá hấp dẫn cho DN. 

Các tin khác