“Thuốc đặc trị” việc chậm cổ phần hóa

(ĐTTCO) - Việc chậm cổ phần hóa thời gian qua nguyên nhân chủ yếu do vướng về xác định giá trị đất, sợ trách nhiệm thất thoát tài sản và có cả chuyện lãnh đạo doanh nghiệp sợ mất chức sau cổ phần hóa nên không ủng hộ việc cổ phần hóa doanh nghiệp.
 Để xử lý việc này, Bộ Tài chính vừa đề ra 9 giải pháp cần tập trung trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhằm khắc phục những tồn tại và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Chậm và chưa rõ ràng
Từ năm 2015 đến nay, hoạt động đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN liên tục chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nhiều doanh nghiệp đã được duyệt đề án cổ phần hóa nhưng chậm thực hiện nên hết hạn, phải làm lại hồ sơ từ đầu. Hầu hết các vướng mắc về quy định pháp luật như xác định giá trị đất đai, lợi thế đất đai, giá trị thương hiệu… đến nay đã được “luật hóa” nhưng việc chậm trễ vẫn diễn ra.
Điều đó cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là con người và lợi ích. Chủ doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa vì sợ mất chức sau cổ phần hóa (vì nếu không đủ tài thì cổ đông sẽ không bầu nữa); cơ quan quản lý doanh nghiệp cũng không muốn cổ phần hóa vì sợ mất quyền lợi, nếu bán cổ phần thì khoản thu được phải chuyển về Công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC)…
Do vậy, mặc dù thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo lộ trình đã đề ra, thế nhưng, 11 tháng đầu năm 2018, chỉ có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa và hoàn thành cổ phần hóa. Trong đó, tổng giá trị doanh nghiệp gần 29.750 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước chưa tới 15.500 tỷ đồng.
“Thuốc đặc trị” việc chậm cổ phần hóa ảnh 1 Nhiều công ty dịch vụ công ích sẽ được cổ phần hóa trong năm 2019. Ảnh: Cao Thăng 
Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt khoảng 18.350 tỷ đồng (trong đó nhà nước nắm giữ 11.150 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 2.290 tỷ đồng, đấu giá công khai gần 4.800 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động 99 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5 tỷ đồng). Một con số không lớn so với số lượng khoảng 180 doanh nghiệp phải sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa đến năm 2020.
Xử lý trách nhiệm và buộc bàn giao
Để đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới DNNN và xử lý việc chậm cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp tập trung vào xử lý trách nhiệm cán bộ và thu hồi tài sản nếu cố tình trì hoãn. Cụ thể, từ nay đến ngày 31-12-2018 phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; từ đó, đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.
Đối với thủ trưởng, người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020. Thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt (đặc biệt là TP Hà Nội và TPHCM). Trường hợp cần điều chỉnh tiến độ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-12-2018. Để tránh việc “ngâm” nhằm giữ quyền lợi, Bộ Tài chính đề xuất rõ, nơi nào không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31-12-2018. 
Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai, trình cấp có thẩm quyền có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; quyết toán công tác cổ phần hóa và xác định số tiền phải nộp nhưng chưa quyết toán và phải hoàn thành ngay trong năm nay.
Trường hợp không đảm bảo thời gian thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Đồng thời, thực hiện đúng thời gian việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định.

Các tin khác