Thủ tục làm lỡ nhịp giải ngân ODA

 
(ĐTTCO) -  Năm tài khóa 2017 (tháng 4-2017 đến tháng 3-2018) Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam 130 tỷ yên (khoảng 1,19 tỷ USD) vốn vay ưu đãi (ODA), thấp hơn khoảng 57 tỷ yên so với năm tài khóa 2016.
Tuyến metro số 1 TPHCM được xây dựng bằng nguồn tài trợ ODA.
Tuyến metro số 1 TPHCM được xây dựng bằng nguồn tài trợ ODA.

Mức độ giải ngân của năm tài khóa 2017 cũng được ông Fujita Yasuo, Trưởng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, dự báo thấp hơn nhiều so với mức giải ngân khoảng 175,6 tỷ yên của năm 2016.

Nguyên nhân được người đại diện JICA chỉ ra do thủ tục chuẩn bị dự án quá lâu, mất nhiều thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đặc biệt là trần giải ngân ODA được áp dụng nhằm kiểm soát nợ công.

Vốn cam kết thấp nhất trong 5 năm

Định hướng hạn chế nợ công được Chính phủ Việt Nam đưa ra hồi giữa năm 2016 đã ảnh hưởng đến hoạt động triển khai vốn vay. JICA tôn trọng chủ trương này và sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ để thấy sẽ cần thiết có hoạt động đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng. Việc JICA có cung cấp thêm vốn hay không trong năm tài khóa 2017 sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của Chính phủ.

Ông Fujita Yasuo

Theo kế hoạch năm tài khóa 2017, nguồn vay ODA từ Nhật Bản được dành cho 5 dự án, gồm phát triển thành phố công nghệ Hòa Lạc; hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển; quản lý nước ở Bến Tre; ứng phó biến đổi khí hậu dựa trên việc sử dụng thông tin vệ tinh, và xử lý nước thải ở Biên Hòa.

Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng dự kiến cung cấp vốn để hoàn thành 2 công trình cơ sở hạ tầng lớn trong năm 2017 là dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi) dài 65km vào tháng 6 tới; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng nước sâu quốc tế đầu tiên ở Lạch Huyện, Hải Phòng, sẽ hoàn thành trong tháng 9 năm nay.

Thực tế trong những năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác phát triển, tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Có thể kể đến hàng loạt dự án hạ tầng lớn sử dụng nguồn vay ODA Nhật Bản đang được triển khai xây dựng, như dự án xây dựng công trình Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và cầu, đường dẫn; xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải; xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 tại Hà Nội và tuyến đường sắt đô thị số 1 tại TPHCM; cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 2… Tính đến nay, JICA đã cung cấp vốn cho 62 dự án tại Việt Nam, trong đó có 31 dự án về hợp tác kỹ thuật, 28 dự án hợp tác vốn vay, 31 dự án viện trợ không hoàn lại.

Vì thế, dù nguồn vay ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm nay giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có nhiều dự án quy mô lớn nhất của JICA trên thế giới. Các hỗ trợ vốn vay của JICA trong năm tài khóa 2017 vẫn tập trung vào 3 trụ cột chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, tăng cường quản trị nhà nước, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương.

Xu thế chung hiện nay là lượng vốn vay ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong 5 năm vừa qua không ngừng tăng lên, tổng vốn vay được giải ngân hàng năm dao động 150-180 tỷ yên. Trong đó, vốn giải ngân năm 2012 đạt khoảng 155 tỷ yên, năm 2013 đạt 162 tỷ yên, năm 2014 đạt 147 tỷ yên, năm 2015 đạt 179 tỷ yên và năm 2016 đạt 175 tỷ yên. Tuy nhiên, với kế hoạch năm tài khóa 2017 vừa được công bố, lượng vốn giải ngân ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam khó vượt qua số vốn cam kết khoảng 130 tỷ yên. Đây sẽ là năm giải ngân ODA thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

 Mất 4 năm xem xét lại đầu tư dự án

Ông Fujita Yasuo đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế trong quá trình sử dụng vốn vay ODA tại các địa phương trong thời gian qua. Cụ thể tiến độ triển khai các dự án quá chậm do các thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị đầu tư thường kéo dài và phức tạp.

Các thủ tục hành chính như việc ra quyết định mất  quá nhiều thời gian. Thí dụ, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, để xem xét lại nội dung tổng mức đầu tư dự án đã phải mất tới 4 năm mới xong. Bên cạnh đó, các dự án cũng mất rất nhiều thời gian giải quyết vấn đề GPMB cho 2 dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 1 và tuyến 2. Đó chính là nguyên nhân khiến các dự án này chậm tiến độ.

Ngoài ra, theo quy định của JICA, cuối tháng 8 hàng năm là thời hạn nộp đơn đăng ký xin tài trợ đối với các dự án hợp tác kỹ thuật, tuy nhiên phía Việt Nam thường xuyên nộp chậm và điều này đã thành thói quen. Hơn nữa, việc giải ngân các khoản viện trợ của Việt Nam cũng chậm trễ do giới hạn trần giải ngân ODA của Chính phủ.

Đã có những khoản thanh toán nhà thầu phải dừng lại bởi quy định này. Điều này dẫn đến số tiền phân bổ cho dự án bị thiếu hụt rất nhiều, hiện có khoảng 10 tỷ yên vốn vay ODA chưa được thanh toán cho nhà thầu tại 2 dự án đang triển khai tại TPHCM.

Bên cạnh đó, còn nhiều dự án thuộc quản lý của Bộ Giao thông-Vận tải cũng chưa được giải ngân, thanh toán. “Việc thanh toán chậm cho các nhà thầu không có lợi cho Việt Nam, và sẽ là điểm trừ trong việc phát hành trái phiếu thanh toán quốc tế. Chính phủ nên đơn giản hóa để thủ tục giải ngân được nhanh hơn cũng như giúp cho quá trình triển khai các hoạt động của dự án được dễ dàng hơn” - đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh.

Các tin khác