Thu thuế thương mại điện tử: Đang như “đuổi hình bắt bóng”

(ĐTTCO)-Với tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) như vũ bão, nhưng hoạt động thu thuế rất hạn chế. Tính đến nay, TPHCM mới thu được khoảng 18 tỷ đồng từ hoạt động TMĐT, chủ yếu từ các doanh nghiệp, cá nhân nhỏ lẻ trong nước.
Nhận hàng đặt mua qua thương mại điện tử. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhận hàng đặt mua qua thương mại điện tử. Ảnh: THÀNH TRÍ
 Trong khi số thu “khủng” của các trang mạng quốc tế hoạt động tại Việt Nam như facebook, google, agoda, booking… vẫn chưa thu được thuế! Giải pháp nào chống thất thu thuế trên lĩnh vực TMĐT là vấn đề dư luận bức xúc, đòi hỏi sự công bằng lâu nay. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Duy Minh, Phó Cục Thuế TPHCM - địa bàn có hoạt động TMĐT rầm rộ nhất so với cả nước, về vấn đề này.
Chỉ xử được “cò con”
PHÓNG VIÊN: Công tác thu thuế hoạt động TMĐT đã được UBND TPHCM triển khai từ 1 năm qua, vậy đến giờ, ngành thuế đã làm được những gì rồi, thưa ông? 
Ông Lê Duy Minh: Cục thuế đã xây dựng kế hoạch với 6 bước triển khai. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành việc tuyên truyền phổ biến chính sách, nghĩa vụ kê khai nộp thuế, giúp những người hoạt động TMĐT xác định được nghĩa vụ phải kê khai nộp thuế, nắm rõ các quy định, để từ đó tự giác thực hiện kê khai nộp thuế.
Đồng thời, chúng tôi cũng đã thu thập danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên các trang web, trang mạng xã hội facebook. Cụ thể, đã gửi gần 15.000 giấy mời trên website và tài khoản facebook tới các tổ chức, cá nhân và lập biên bản xác định số liệu khoảng 4.000 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT…
-Ông có thể cho biết kết quả cụ thể số thuế thu được từ hoạt động TMĐT là bao nhiêu, khi mà hoạt động này đang công khai, rầm rộ, nhất là trên facebook?
-Thật ra, việc triển khai thu thuế đồng loạt hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội chỉ mới ở giai đoạn tuyên truyền vận động. Chỉ một số tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại với số thu lớn nhưng không khai báo thì cơ quan thuế TP mới tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý. Tính đến cuối năm 2017, ngành thuế TP đã xử lý và thu thuế được hơn 18 tỷ đồng.
Điển hình như bà Cao Thị Thùy Dung, doanh thu bán hàng qua mạng từ năm 2013 - 2016 chưa kê khai nộp thuế, chúng tôi phát hiện thì bà đã kê khai số thu gần 450 tỷ đồng nên phải truy thu thuế và phạt chậm nộp hơn 9,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Mây Mây có doanh thu bán hàng qua mạng từ năm 2014 - 2016 chưa kê khai nộp thuế khoảng 70 tỷ đồng, nên đã truy thu thuế 7,5 tỷ đồng…
-Với số thuế thu được chỉ là của các tổ chức, cá nhân trong nước, trong khi nói đến TMĐT người ta nghĩ ngay đến hoạt động quảng cáo, mua bán trên các trang mạng quốc tế như google, facebook, agoda… Vậy chúng ta đã thu được gì từ những doanh nghiệp này?
-Đúng, đấy là những trang có hoạt động TMĐT lớn. Chúng tôi đã rà soát sơ bộ tại 2 ngân hàng Eximbank và Sacombank thì chỉ trong năm 2016, google có số tiền giao dịch gần 280 tỷ đồng, facebook thu hơn 610 tỷ đồng. Đây là con số chưa đầy đủ, mới khảo sát tại 2 ngân hàng trên và chỉ trong 1 năm giao dịch đã cho thấy số thuế bị thất thu rất lớn. Đây là doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam nên phải nộp thuế nhà thầu 10% trên doanh thu (5% thuế GTGT và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp) và với số doanh thu trên, ta đã thất thu gần 90 tỷ đồng. Hiện nay, chúng ta chưa có giải pháp hoặc chế tài gì để thu thuế đối với các trang mạng TMĐT nước ngoài hoạt động trên địa bàn TPHCM.
Thiếu luật, thiếu phối hợp
-Không lẽ chúng ta bó tay với các trang mạng quốc tế đang hoạt động rầm rộ, công khai trong nước mà không thu được đồng thuế nào, như vậy sẽ tạo bất công bằng đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nước phải nộp thuế…
-Chúng tôi đang cân nhắc điều này, vì để chống thất thu thuế, trước hết phải tập trung vào những doanh nghiệp lớn. Còn những hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì hướng dẫn, khuyến cáo, vận động là chính, để họ thực hiện đúng quy định pháp luật. Còn quan trọng vẫn nằm ở các doanh nghiệp có doanh thu lớn như facebook, google, agoda, booking… nhưng đây là những doanh nghiệp quốc tế nên cần có sự can thiệp cấp quốc gia. 
Vừa qua, chúng tôi đã vận động các khách sạn thông báo số lượng khách book phòng qua các trang mạng quốc tế, nhưng việc này khó xác định thuế vì khách sạn trong nước không biết số tiền thực tế khách thanh toán cho các trang mạng là bao nhiêu để khấu trừ thuế. Hơn nữa, việc kiểm tra tại các khách sạn là kiểm tra “ngọn”, tốn nhiều công sức mà không hiệu quả.
-Là cơ quan chuyên môn, hẳn ngành thuế phải có giải pháp gì để chống thất thu thuế TMĐT một cách căn cơ?
-Cái đó phải tầm quốc gia, chúng tôi đã kiến nghị rồi. Chẳng hạn, phải có quy định pháp luật cụ thể dành cho TMĐT như bán hàng qua mạng thì buộc phải thanh toán qua ngân hàng, có sự phối hợp quản lý của các bộ, ngành; như vậy mới giúp cơ quan thuế nắm bắt hoạt động kinh doanh kịp thời, chính xác. Phải có luật về TMĐT, quy định cụ thể các trang mạng quốc tế hoạt động ở Việt Nam phải có cơ quan đại diện, thường trú trong nước để kê khai, nộp thuế. Nếu đơn vị nào không thực hiện thì phải có chế tài, buộc ngành thông tin truyền thông chặn, không cho hoạt động tại Việt Nam và cảnh báo đến người tiêu dùng biết đấy là trang bán hàng bất hợp pháp tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần có quy định buộc bán hàng qua mạng phải thanh toán qua ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng thống kê các thanh toán, từ đó phối hợp thu thuế khi đơn vị chuyển tiền ra nước ngoài. Chứ như hiện nay, cơ quan thuế phải đi xác minh số thu các trang mạng tại các ngân hàng, vì ngân hàng không có trách nhiệm phải cung cấp. Và như vậy, việc xác minh của cơ quan thuế diễn ra sau khi hoạt động mua bán hoàn thành, đã chuyển tiền xong, giống như chỉ bắt bóng chứ không bao giờ phát hiện được vi phạm đang diễn ra.
-Xin cảm ơn ông!

Các tin khác