Thị trường Nhật Bản dễ vào nhưng khó trụ

(ĐTTCO) - Nhật Bản được xem là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, nhưng để đưa được hàng vào thị trường này lại không đơn giản. Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu không thể bỏ qua là kiên nhẫn và đồng nhất về chất lượng. 

Những câu chuyện thực tế
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Top Value, cho biết mình là một người rất thích xoài cát chu của Việt Nam, nên khi ở Việt Nam đây chính là loại trái cây mà ông ưu tiên mua mỗi tuần. Và khi trở lại Nhật Bản ông cũng được thưởng thức trái xoài này. Song vấn đề của trái xoài Việt Nam chính là giá bán còn cao và chất lượng chưa đồng đều. Trong khi xoài của những quốc gia khác như Thái Lan, Philippines, Mexico hay của Nhật Bản không có hiện tượng này. “Đảm bảo tính đồng đều trong chất lượng sản phẩm là một điều hết sức quan trọng khi xuất hàng sang thị trường Nhật Bản” -  ông Yuichiro Shiotani khẳng định. 
Kể lại những câu chuyện thực tế trong quá trình kết nối để DN Việt Nam có thể xuất hàng sang thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Mạnh Việt, Giám đốc Công ty TNHH Fosllea nhấn mạnh đến tính kiên nhẫn khi làm việc với đối tác Nhật Bản cũng như sự tuân thủ các quy chuẩn mà họ đưa ra. Đơn cử như trước đây bánh kẹo Bibica chủ yếu sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước, nhưng trước sức ép cạnh tranh Bibica muốn tìm đường xuất khẩu sang Nhật Bản cũng phải mất khoảng 1 năm, do Nhật Bản rất khắt khe về chất lượng.
Nhưng sau khi những container hàng đầu tiên xuất thành công, đến đợt thứ hai do vào mùa bánh trung thu, Bibica có đổi xưởng sản xuất và có một nguyên liệu được nhập từ nguồn khác. Khi phía Nhật Bản kiểm tra lại chỉ sai 0,001 microgam họ đã trả hàng về. 
Thị trường Nhật Bản dễ vào nhưng khó trụ ảnh 1 Xoài cát chu. 
Hay cách đây 2 năm, Fosllea có xúc tiến cho một công ty sản xuất túi vải xuất hàng sang Nhật Bản. Sau khi kiểm tra mẫu thành công hàng được xuất đi. Phía Nhật Bản yêu cầu thùng cartoon đựng phải 5 lớp nhưng DN Việt Nam lại nghĩ chỉ 3 lớp là đủ. Sau 2 tuần vận chuyển đến cảng phía Nhật Bản thì những thùng phía dưới bị dẹp hết, hàng bị trả về.
Theo phân tích của ông Việt, làm ăn với Nhật Bản không đơn giản, họ yêu cầu rất khắt khe về chất lượng. Ngoài ra họ còn muốn có một quy trình sản xuất phải đảm bảo, đây lại là điều nhiều DN Việt Nam còn thiếu, thậm chí thờ ơ trong việc cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng theo yêu cầu đối tác. 

DN cần làm gì
Ông Yuichiro Shiotani cho biết, muốn xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường Nhật Bản, DN Việt Nam cần quan tâm xem thị trường Nhật Bản cần gì, thị hiếu ra sao, đã có những sản phẩm của quốc gia nào cạnh tranh với mình. Muốn biết được điều này tốt nhất DN nên đi khảo sát thị trường thực tế, so sánh sản phẩm của mình với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Từ đó rút ra hướng đi cho mình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hoặc điều tiết giá bán cho phù hợp.
Bà Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cũng đồng thời là người gắn bó nhiều năm với ngành thủy sản Việt Nam, cho rằng khảo sát thị trường là hết sức quan trọng. Hàng năm ở Nhật Bản có hội chợ Foodex Japan, ở đó có rất nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm các nước mang tới giới thiệu cho đối tác Nhật. Nếu muốn xuất hàng DN Việt Nam nên tham quan hội chợ này để hiểu thị hiếu và gặp gỡ thêm các đối tác. Với DN chưa có điều kiện sang thị trường Nhật có thể tìm hiểu các yêu cầu thông qua các chuỗi bán lẻ của Nhật đang có mặt ở thi trường Việt Nam. 
Đại diện mảng tư vấn của Fosllea cho rằng, muốn thay đổi trước hết tầm nhìn của người lãnh đạo phải thực sự thay đổi, và khi ấy khoảng thời gian cho việc chuẩn hóa quy trình cũng chỉ từ 3-6 tháng cho những bước cơ bản để đáp ứng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Song hành với đó các DN cũng phải có hệ thống lưu lại dữ liệu của mình, để khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra có thể biết nó ở công đoạn nào, thời gian nào… giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể đến.
Đã có những trường hợp thông qua Fosllea, hai đối tác Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất xuất hàng nhưng khi Nhật Bản qua tham quan quy trình sản xuất họ lại lắc đầu. Hiện chính Fosllea cũng đang nỗ lực hỗ trợ  DN Việt Nam hoàn thiện quy trình trước khi “mai mối” với Nhật Bản để khỏi mất thời gian của các bên.
 Thực tế lâu nay khi xuất hàng đi Nhật Bản hay Hàn Quốc hoặc một số quốc gia đòi hỏi cao về chất lượng, tính ổn định trong quy trình của phía DN Việt Nam vẫn là một điểm yếu. Nhiều đối tác từng than phiền trong các hội nghị, tọa đàm rằng DN Việt làm những lô hàng đầu rất tốt, nhưng lô sau thường hay có vấn đề. 

Các tin khác