Thị trường điện máy: Sức nóng sau tảng băng

(ĐTTCO)- Sau thương vụ Central Group (Thái Lan) mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim cách đây hơn 1 năm, thị trường điện máy Việt Nam dường như không có một sự kiện đình đám nào khác. Song phía sau bức tranh tĩnh lặng ấy lại là một cuộc đua mở chuỗi đang rất nóng giữa các thương hiệu.

(ĐTTCO)- Sau thương vụ Central Group (Thái Lan) mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim cách đây hơn 1 năm, thị trường điện máy Việt Nam dường như không có một sự kiện đình đám nào khác. Song phía sau bức tranh tĩnh lặng ấy lại là một cuộc đua mở chuỗi đang rất nóng giữa các thương hiệu.

Nhỏ nên đi nhanh

Còn nhớ ngay sau thương vụ giữa Central Group và Nguyễn Kim, 2 bên đã đưa ra tuyên bố đến năm 2020 sẽ mở tới 50 siêu thị. Tuy nhiên cho đến nay đã hơn 1 năm nhưng Nguyễn Kim dường như vẫn án binh bất động, không khai trương thêm một siêu thị nào, cũng không có thêm bất cứ thông tin nào về tình hình kinh doanh sau khi có mặt của đối tác ngoại. Trái ngược với sự tĩnh lặng của Nguyễn Kim, tân binh Điện máy Xanh lại liên tục khai trương và công bố thông tin về doanh thu, lợi nhuận của mình. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Điện máy Xanh đã chính thức công bố việc phủ sóng 63 tỉnh, thành với 119 siêu thị và trở thành chuỗi điện máy đầu tiên có độ phủ rộng khắp. Và ngay trong đầu tháng 8, CTCP Đầu tư Thế giới di động đã tổ chức một buổi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, chuỗi Điện máy Xanh đạt doanh thu 5.587 tỷ đồng, tăng 216% so với cùng kỳ năm 2015. Chia sẻ về mốc phủ sóng 63 tỉnh thành, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc CTCP Thế giới di động, cho biết: “Cột mốc phủ khắp 63 tỉnh thành cho chúng tôi tin rằng khách hàng đã chấp nhận Điện máy Xanh như một lựa chọn tốt cho các nhu cầu mua sắm của họ. Mục tiêu tới cuối năm 2017, Điện máy Xanh sẽ trở thành cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu khách hàng mỗi khi có nhu cầu mua tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, đồ gia dụng”.

Một trong những lý do chính khiến Điện máy Xanh có thể đi nhanh như vậy bởi chuỗi này chọn mô hình siêu thị với diện tích vào khoảng 700-1.000m2, trong khi nhiều chuỗi khác đi theo mô hình đại siêu thị với diện tích khoảng 2.500-3.000m2, thậm chí có chuỗi còn nâng diện tích tới 5.000m2. Việc lựa chọn mô hình vừa giúp chuỗi này nhanh chóng có được mặt bằng đẹp (một trong những yếu tố quan trọng trong kinh doanh bán lẻ) thêm vào đó chi phí đầu tư cũng thấp hơn. Đặc biệt, đại diện của Điện máy Xanh còn cho biết họ sẽ mở thêm các chuỗi siêu thị mini, bán các chủng loại hàng hóa vừa đủ cho một khu vực dân cư. Theo dự kiến, trong giai đoạn từ 2016-2017 Điện máy Xanh sẽ nhắm đến mở 135 siêu thị thường và 270 shop mini, nâng tổng số lượng lên 400 siêu thị trên toàn quốc.

Trong ngành kinh doanh điện máy trước đây, mô hình vừa và nhỏ thường chỉ dành cho các cửa hàng, đại lý, còn các siêu thị khi đã khai trương sẽ đi theo mô hình đại siêu thị để thu hút người tiêu dùng bằng sự đa dạng mặt hàng, chủng loại. Nhưng dường như những thành công ban đầu của Điện máy Xanh lại đang làm cho một số thương hiệu khác phải nghĩ lại. Bằng chứng là Thiên Hòa đã khai trương siêu thị điện máy nhỏ đầu tiên vào đầu tháng 7 vừa qua và nếu thành công với mô hình thử nghiệm này, Thiên Hòa sẽ đầu tư thêm 40 siêu thị trong vòng 1 năm. Tại khu vực phía Bắc, ngoài những đại siêu thị có sẵn Media Mart cũng khai trương những siêu thị có diện tích dưới 1.000m2.

Thị trường điện máy: Sức nóng sau tảng băng ảnh 1

Chọn mua hàng tại Điện máy Xanh.

Rút ngắn khoảng cách thị phần

Vẫn được xem là một cái tên dẫn đầu thị phần trong ngành điện máy, nhưng Nguyễn Kim chưa bao giờ công bố doanh thu và thị phần trong ngành của mình. Những con số liên quan đến chuỗi này thường thông qua các tổ chức nghiên cứu. Và lần gần đây nhất thị phần của Nguyễn Kim lại được công bố nhưng thông qua một trong những đối thủ trong ngành là Điện máy Xanh. Cụ thể, đầu năm 2016 CTCP Đầu tư Thế giới di động công bố nghiên cứu của hãng GFK về thị phần mảng điện máy, theo đó Nguyễn Kim chiếm 12% thị phần, Điện máy Xanh chiếm 8%, Điện máy Chợ Lớn 7,5%. Tất nhiên phía Nguyễn Kim vẫn hoàn toàn im lặng với những con số này. Nhưng nếu chiếu theo những thông tin trên, Điện máy Xanh đang ngày càng rút ngắn khoảng cách thị phần của mình với thương hiệu dẫn đầu thị trường.

Có thể thấy sau một thời gian ngành điện máy chứng kiến sự chia tay của nhiều thương hiệu, những cái tên còn lại hầu hết đều không thể đứng ngoài cuộc đua. Song hành với cuộc đua mở chuỗi, những cuộc đua khuyến mại giảm giá cũng không thể thiếu giữa các chuỗi điện máy. Đặc biệt thời gian gần đây các chuỗi bán lẻ điện máy còn tung ra nhiều dịch vụ sau bán hàng rất cạnh tranh nhằm thu hút người tiêu dùng. Như Điện máy Xanh tung ra những chính sách hướng đến người tiêu dùng như: Bao giá, cam kết giá tốt nhất trong vòng 14 ngày, hoàn tiền cho khách hàng 100% nếu có nơi rẻ hơn; đổi trả hàng trong vòng 30 ngày nếu phát hiện hàng lỗi; bao xài 1 năm đổi trả hàng lỗi miễn phí đối với hàng gia dụng và phụ kiện… Tương tự, Điện máy Trần Anh cũng tung ra chương trình đổi sản phẩm lỗi trong vòng 30 ngày. Điều này cũng không có gì khó hiểu bởi với ngành kinh doanh điện máy hầu hết các thương hiệu không có sản phẩm độc quyền, chính vì thế phải tung ra nhiều chương trình nhằm thu hút người tiêu dùng.

Đặc biệt kênh bán hàng online được hầu hết các chuỗi điện máy chú trọng nhờ tiết kiệm chi phí và các chuỗi đều có những chính sách đặc biệt hơn khi khách hàng mua sản phẩm trực tuyến. Cuộc chiến điện máy đang sôi động trở lại, tất nhiên không phải cứ mở siêu thị là có khách hàng nhưng hẳn các chuỗi đều có những toan tính cho riêng mình trên con đường còn rất dài này. Có một khoảng thời gian sức ép từ khối ngoại đã dấy lên nhiều lo ngại về cạnh tranh, nhưng cho đến thời điểm này khối nội vẫn đang chiếm ưu thế trong cuộc đua.

Các tin khác