Thị trường điện máy: Nắm cơ hội cuối

Dù được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong năm 2013, thị trường điện máy vẫn đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các DN nhằm dành lấy những cơ hội vượt khó nhiều gian nan.

Dù được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong năm 2013, thị trường điện máy vẫn đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các DN nhằm dành lấy những cơ hội vượt khó nhiều gian nan.

Bé sống kiểu bé

Những ngày cuối tháng 3 này, song song với việc chuẩn bị các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm tăng sức mua dịp hè, giám đốc một siêu thị điện máy thuộc dạng nhỏ và vừa tại TPHCM còn đang tất tả cho những chuyến đưa hàng về nông thôn.

“Việc đưa hàng về các vùng xa hơn là giải pháp giúp chúng tôi mở rộng kênh bán hàng, giải phóng hàng tồn kho, tự cứu mình trong thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay” - ông chia sẻ. Năm 2012, thị trường điện máy đã trải qua một cơn lốc khủng hoảng khi tăng trưởng ở mức âm 20% và tiếp tục dự báo sẽ âm trong năm nay dù các DN liên tục đưa ra các chiêu thức khuyến mại vào hàng khủng.

Ngoài những cái tên đình đám như Nguyễn Kim, thegioidienmay.com, Pico, Thiên Hòa, Idea, thị trường còn rất nhiều siêu thị điện máy thuộc diện nhỏ và vừa đang sống thoi thóp hoặc âm thầm đóng cửa trong năm 2012 do không chịu nổi thua lỗ triền miên. Chương trình khuyến mại của những siêu thị này trở nên nhạt nhòa trước những chương trình ồ ạt của các “ông lớn”.

Những chiến dịch “sát phạt” lẫn nhau nhằm củng cố vị thế trên thị trường được người trong cuộc tiến hành thường xuyên. Và để có thể tồn tại, nhiều siêu thị nhỏ buộc phải tìm thị trường ngách cho mình. Việc đưa hàng về nông thôn như siêu thị nói trên cũng là một thí dụ. Tất nhiên, việc này cũng có nhiều khó khăn.

“Khi đưa hàng về một số huyện của tỉnh Đồng Nai chúng tôi gặp khá nhiều “đối thủ” từ TP Biên Hòa cũng triển khai chiến lược này. Để có thể cạnh tranh, siêu thị phải thành lập nhiều tổ tư vấn, bảo hành sản phẩm lưu động. Việc này cũng làm chi phí bị đội lên, nhưng lỗ ít còn hơn lỗ nhiều” - vị giám đốc siêu thị phân trần.

Lớn tìm đường lớn

Năm 2004, Thế giới Di động được thành lập bởi 5 thành viên gồm ông Nguyễn Đức Tài, Trần Lê Quân, Đinh Anh Huân, Điêu Chính Hải Triều và Trần Huy Thanh Tùng. Tuy nhiên, phải đến năm 2007 Thế giới Di động mới phát triển nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt cửa hàng. Đó là khi Mekong Capital mua lại 33,5% cổ phần.

“Sự có mặt của Mekong Capital không chỉ giúp chúng tôi về vốn mà còn giúp chúng tôi trở nên chuyên nghiệp hơn trong kinh doanh” - ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động, từng chia sẻ với đầu tư tài chính.

Đến năm 2010, Thế giới Di động lấn sân sang lĩnh vực điện gia dụng khi cho ra đời chuỗi thegioidienmay.com. Chỉ 1 năm sau ngày ra đời siêu thị đầu tiên, thegioidienmay.com đã nâng số siêu thị của mình lên con số 9 và đến gần cuối năm 2012 là 12, trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (với 2 công ty con là CTCP Thế giới Di động, đơn vị trực tiếp quản lý chuỗi 230 cửa hàng thiết bị di động trên toàn quốc, và Dienmay hiện có 12 cửa hàng thiết bị điện tử gia dụng) đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Và mới đây, CDH Electric Bee Limited đã mua lại 19,88% cổ phần của CTCP Đầu tư Thế giới Di động từ Mekong Capital và các cổ đông sáng lập. Theo giới phân tích, việc có thêm CDH Electric Bee Limited tham gia sẽ giúp CTCP Đầu tư Thế giới Di động ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Từ câu chuyện của Thế giới Di động, không ít DN trong lĩnh vực điện máy cũng đang nuôi tham vọng có thể kết hợp với các quỹ đầu tư hoặc các nhà đầu tư ngoại để thêm sức mạnh tài chính và kinh nghiệm kinh doanh. Muốn như vậy, các DN phải chứng minh được sức khỏe mình tốt. Và cuộc chạy đua mở thêm siêu thị trong năm nay chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Theo dự kiến, trong năm 2013 này Nguyễn Kim, Thiên Hòa, FPT, Pico… đều có chiến lược mở thêm siêu thị. Tất nhiên, không ai “bật mí” chiến lược của mình. Nhưng nếu không vì mục đích tìm kiếm đối tác ngoại thì việc mở thêm siêu thị trong thời điểm hiện nay cũng được xem là thuận lợi cho những DN trường vốn vì chi phí thuê mặt bằng tại nhiều khu vực, kể cả những vị trí đẹp, đang khá thấp.

Việc mua bán, sáp nhập DN là hết sức bình thường, song nếu không tỉnh táo, rất có thể các DN điện máy sẽ đi vào vết xe đổ của nhiều thương hiệu nội là bán mình với giá rẻ hoặc bị chi phối bởi cổ đông nước ngoài khi họ nắm giữ cổ phần quá bán.

Vì theo dự báo, nền kinh tế nói chung và thị trường điện máy nói riêng sẽ khởi sắc vào năm 2014 và hẳn cũng không ít người đang muốn nắm lấy cơ hội này. 

Các tin khác