Thay đổi tư duy phát triển ĐBSCL

(ĐTTCO) - Sau Hội nghị “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhiều ý kiến cho rằng cần hiệu triệu các giải pháp từ các chuyên gia, các địa phương, kết hợp với các nhà hoạch định chính sách. 
ĐTTC xin trích đăng ý kiến của ông Lê Minh Hoan (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.Liên kết, tăng sức mạnh
Thay đổi tư duy phát triển ĐBSCL ảnh 1
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu thách thức lớn về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy thoái nguồn nước… và xem như phải sống chung với những thách thức đó cũng như gần 20 năm trước đã “sống chung với lũ”.
Muốn vượt qua thách thức để phát triển, có những việc phải có sự đầu tư nguồn lực cần thiết, đủ lớn và kịp thời từ Trung ương. ĐBSCL cần sự tái cấu trúc ngành và lĩnh vực cả vùng, nhưng đồng thời phải thận trọng đối với những giải pháp công trình làm tác động biến đổi các hệ sinh thái. Trong đó, cần khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia của chính người nông dân.
Nói cách khác, sự thay đổi phải là sự cộng hưởng, hợp lực của 3 khu vực: “Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”. Tư duy quy hoạch tích hợp khoa học rất cần thiết với cách hoạch định chiến lược tổng thể đa mục tiêu, nhưng cần định vị vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, để tăng nguồn lực xã hội và giảm nguồn lực công.
ĐBSCL cũng phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng "Chuyển đổi tư duy độc canh và tăng sản lượng lúa gạo, giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ. Phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết, lấy doanh nghiệp dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với sự tác động của biến đổi khí hậu và suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước".
Lấy đơn cử tại Đồng Tháp, hiện đã hình thành các thiết chế xã hội mở, tập hợp những người nông dân tự nguyện thay đổi, qua đó khơi gợi tinh thần tự quản, tự lực, hợp tác trong cộng đồng dân cư và những nông dân sản xuất, kinh doanh trong cùng ngành hàng nông sản.
Trong thiết chế đó, có sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn để cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, huấn luyện các kỹ năng, dần hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp. Đây là mô hình dẫn dắt và bổ trợ, hướng dẫn người nông dân tự nguyện tham gia vào các hình thức kinh tế hợp tác, mở rộng quy mô sản xuất, xóa dần cách làm và tư duy manh mún.
Thay đổi tư duy phát triển ĐBSCL ảnh 2 Đồng Tháp đã hình thành các thiết chế xã hội mở. 
Hiện nay, Đồng Tháp cùng với Long An và Tiền Giang đang xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười”, dựa trên phát huy giá trị tài nguyên, văn hóa bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước. Tinh thần cốt lõi của liên kết không phải là để “chia chiếc bánh”, mà làm sao cho “chiếc bánh lớn hơn”.
Đề án cũng xác định chủ thể tham gia không chỉ các cấp chính quyền, mà quan trọng hơn phải có sự tham gia của khu vực tư nhân và người dân. Đề án cũng xác định biến những giá trị vô hình trở thành giá trị hữu hình, biến những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu thành cơ hội và trở thành “đặc sản” để liên kết phát triển bền vững. Hướng đến của Đồng Tháp Mười sẽ có những thương hiệu chung, như nông sản, du lịch gắn với đặc điểm hệ sinh thái và văn hóa Đồng Tháp Mười.

Giải pháp phát triển
Để phát triển bền vững cần dựa vào việc hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, lấy chi phí và chất lượng quyết định cạnh tranh; gắn kết sản xuất và công nghệ bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử. Từ đó, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và các doanh nghiệp nông nghiệp biết tiếp cận nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin để tăng giá trị vào từng công đoạn của chuỗi giá trị, tiếp cận các phương pháp quản trị để xây dựng chiến lược phát triển. 
Cần xác định rõ hơn về tầm quan trọng sống còn của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL. Không có kinh tế hợp tác, sẽ không giảm được chi phí sản xuất, không nâng cao chất lượng và độ đồng đều nông sản. Không có kinh tế hợp tác, sẽ khó có thể hình thành chuỗi giá trị. Không có kinh tế hợp tác, mối liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ sẽ không bền vững. Không có kinh tế hợp tác sẽ không triển khai được các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ. Kinh tế hợp tác là cấp chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu ngay trên từng cánh đồng.
Thay đổi tư duy phát triển ĐBSCL ảnh 3 Để phát triển bền vững cần dựa vào việc hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng. 
Ngoài vấn đề liên kết các tiểu vùng, Trung ương cần định hướng và hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành hàng cấp vùng.
Các hiệp hội này nên hoạt động theo thiết chế là một "tổ chức đa chức năng", có sự tham gia giữa các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, khu vực tư và đại diện nông dân. Thiết chế như vậy nhằm tăng cường thông tin, phát huy sức mạnh của từng chủ thể, hoạt động có tính tương tác lẫn nhau để hướng tới mục tiêu chung, qua đó xây dựng chiến lược phát triển dài hạn từng ngành hàng và kế hoạch hành động trong ngắn hạn.
Hiệp hội sẽ có những khuyến nghị cần thiết đến với cấp điều hành vĩ mô. Hoạt động của các hiệp hội sẽ xóa đi lợi ích nhóm, những cạnh tranh không lành mạnh ngay trong nội bộ ngành hàng, làm suy yếu cạnh tranh cấp độ quốc gia.
Trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sẽ có những xung đột nhất định về thể chế và các quy định của pháp luật. Do đó, Chính phủ xem xét cho các địa phương mạnh dạn thí điểm sắp xếp các tổ chức thuộc ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng từ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, sang hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị và các hoạt động hỗ trợ năng lực thích ứng với kinh tế thị trường cho nông dân. 
Nói cách khác, nông nghiệp phải chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thị trường. Trong tiến trình đó, cần chuyển đổi mô hình hoạt động và chức năng của các đơn vị ngành thuộc ngành nông nghiệp địa phương. Đây cũng là định hướng cải cách hành chính của Chính phủ, đó là không rập khuôn mô hình tổ chức từ Trung ương xuống địa phương. Có như vậy mới tạo sự năng động, linh hoạt cho chính quyền địa phương, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về ngành và lĩnh vực.
 Tư duy chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần sớm điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích đất trồng lúa. Đồng thời, Chính phủ cần ưu tiên các nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư công cho các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phục vụ sản xuất, sinh kế của người dân để thích ứng với những thách thức về biến đổi khí hậu...

Các tin khác