Thay đổi tư duy M&A

(ĐTTCO) - Tại diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 10 tổ chức cuối tuần qua, lần đầu tiên Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự diễn đàn và đã có những chia sẻ các thách thức cũng như các giải pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế nói chung và hoạt động M&A nói riêng phát triển một cách bền vững. 
Thay đổi tư duy M&A
Một trong những điểm đáng chú ý là sắp tới đây Chính phủ sẽ không cấp giấy phép cho NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thay vào đó sẽ cho nhà đầu tư nước ngoài mua và sở hữu các NH yếu kém với tỷ lệ lên đến 100%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những gì ông nói tại diễn đàn chỉ là sự chia sẻ, chứ không phải là chỉ đạo và rất muốn lắng nghe các ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư...  Hay như kế hoạch tái cơ cấu hoạt động của các nông lâm trường bằng việc cổ phần hóa, hoặc cho phép thành lập công ty TNHH 2 thành viên, điều này trước đây chưa được làm. 
“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày một gia tăng. Vì vậy, những ảnh hưởng từ kinh tế thế giới cũng tiềm ẩn những rủi ro cho nền kinh tế chúng ta. Chính phủ luôn nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô nhằm phát triển thị trường tài chính-chứng khoán nói chung và lĩnh vực M&A nói riêng. Thời gian tới đây, tổng giá trị M&A sẽ tiếp tục tăng, có giá trị cao, nhưng số lượng có thể sẽ ít đi”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 
“Hoạt động M&A sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển, tuy nhiên nhiều người sáng lập doanh nghiệp vẫn cho rằng M&A đồng nghĩa với bị thâu tóm hoặc bán mình và họ hành động chần chừ, chỉ muốn mình là người chủ duy nhất” - Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven đặt vấn đề.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ cũng tạo nên những sự đột phá trong nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng phá hủy luôn cả những mô hình kinh doanh, doanh nghiệp không còn phù hợp, tất nhiên đây cũng là cơ hội để thúc đẩy các hoạt động M&A. 
Đó cũng là lý do TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, phải xem hoạt động M&A là bình thường trong nền kinh tế, vì đó là động lực để phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải sớm hoàn thiện những khung kháp lý nhằm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, những trường hợp kiểu như M&A nhằm thâu tóm thị trường, triệt hạ đối thủ gây nhiễu loạn. 
Sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được châm ngòi bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân... Những yếu tố đó đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ.

Các tin khác