Thấp thỏm chuyện tăng lương

(ĐTTCO) - Đầu tháng 8 này, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 với mức tăng 7,3% so với năm 2016. Dự kiến trong tháng 9 dự thảo nghị định về lương tối thiểu sẽ được Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH) trình Chính phủ. Tuy nhiên, mức tăng lương tối thiểu này đang làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng DN, nhất là các DN sử dụng nhiều lao động.

(ĐTTCO) - Đầu tháng 8 này, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 với mức tăng 7,3% so với năm 2016. Dự kiến trong tháng 9 dự thảo nghị định về lương tối thiểu sẽ được Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH) trình Chính phủ. Tuy nhiên, mức tăng lương tối thiểu này đang làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng DN, nhất là các DN sử dụng nhiều lao động.

Đồng loạt kiến nghị

Dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mức lương tối thiểu vùng từ 1-1-2017 tăng bình quân 7,3% so với năm 2016. Cụ thể, vùng 1: 3,75 triệu đồng/tháng (tăng 250.0000 đồng); vùng 2: 3,32 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); vùng 3: 2,9 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng; vùng 4: 2,58 triệu đồng/tháng (180.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện tại. Theo tờ trình của Bộ LĐ-TB-XH, mức tăng này đã được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 dự kiến khoảng 4,5-5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động. Đặc biệt, mức tăng này được cho đã tính đến điều kiện sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nếu dự thảo được thông qua sẽ gây bức xúc cho DN cũng như khiến người lao động lo lắng. “Nâng lương tối thiểu nhưng người lao động có được hưởng hay chỉ làm tăng chi phí khiến DN càng thêm căng thẳng, bởi khi lương tối thiểu tăng sẽ kéo theo bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) và phí công đoàn tăng theo” - ông Hồng nói. Thực tế, mức tăng lương tối thiểu của năm 2016 cũng đã tác động lớn đến DN. Chính vì vậy Vitas đã có đề xuất Nhà nước giãn tăng lương tối thiểu và giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm về mức trước năm 2010. Ngoài ra, Vitas cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không quy định trích nộp lên công đoàn cấp trên 35% từ khoản 2% kinh phí công đoàn, hoặc chỉ quy định tỷ lệ dưới 10%, số còn lại để lại cho công đoàn cơ sở cùng DN chăm lo đời sống cho người lao động.

Là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động, các DN thủy sản cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Theo đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có công văn kiến nghị Chính phủ không tăng lương tối thiểu năm 2017. Theo Vasep, DN chế biến thủy sản đang trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu 50-70%. Thực tế, lương tối thiểu là lương nền cho việc đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn. 1 lao động ở công đoạn giản đơn làm đủ 26 ngày công được tính tiền công khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó đã bao gồm các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn 34,5% tính trên lương tối thiểu, sau khi khấu trừ còn lại sẽ là lương thực nhận. Do đó xét ở khía cạnh thu nhập, khi tăng lương tối thiểu, thu nhập thực tế theo lương năng suất của người lao động lại giảm do các khoản khấu trừ phải nộp tăng lên. Vasep kiến nghị giãn thời gian tăng 2-3 năm/lần.

Lo giảm sức cạnh tranh

2016 là năm khó khăn với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Một số ngành như dệt may dù đã hạ chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm nhưng vẫn còn nhiều lo lắng. Bàn về sức cạnh tranh của DN có thể suy giảm nếu dự thảo tăng lương tối thiểu vùng được thông qua, ông Phạm Xuân Hồng cho biết thêm: “Trước khi đưa ra quyết định, Chính phủ cần xem xét đến sự tương đồng với các nước trong khu vực xem việc tăng lương này hợp lý và liệu có làm giảm mức cạnh tranh của DN không”. Cụ thể trong ngành dệt may, DN nội đang chịu sức ép cạnh tranh từ các nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh. Những nước này có chi phí nhân công rẻ hơn, nhiều chính sách hỗ trợ hơn và chi phí đóng bảo hiểm cũng thấp hơn Việt Nam.

Lương tối thiểu tăng sẽ kéo rất nhiều chi phí khác tăng theo.

Lương tối thiểu tăng sẽ kéo rất nhiều chi phí khác tăng theo.

Phía các DN chế biến thủy sản cho rằng việc các chi phí đều tăng sẽ khiến cơ hội tưởng như “trong lòng bàn tay” khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực bị ảnh hưởng. Tính về công lao động, tại Thái Lan, công nhân tại các DN thủy sản xung quanh thủ đô Bangkok được trả lương 220-250USD/tháng (tương đương 4.884.000-5.550.000VNĐ). Tại Ấn độ lương công nhân DN thủy sản 60-70 rupee/tháng (tương đương 2.200.000VNĐ). Dù lương công nhân của DN thủy sản Việt Nam hiện cao hơn Thái Lan 20% và Ấn Độ 170,27%, nhưng năng suất lao động thấp hơn. Đó chính là nghịch lý khiến nhiều DN thấp thỏm.

 Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Kim Bôi, cho biết lương tối thiểu tăng sẽ kéo rất nhiều chi phí khác tăng theo. “Nói DN phải cắt giảm chi phí nhưng nay không còn chỗ nào để cắt giảm nữa. Vì thế, khi các chi phí tăng chúng tôi buộc phải đưa vào giá thành. Trong khi đó, thời gian qua hầu hết khách hàng ép chúng tôi phải giảm giá bán nếu không sẽ không đặt hàng. Không có đơn hàng làm sao bàn đến cạnh tranh được” - ông Hùng bức xúc và cho rằng khi tăng lương phải tính theo nhiều thứ, như năng suất lao động có tăng không, lạm phát ra sao. Khi được hỏi phía DN có ý kiến chưa, ông Hùng cho biết cả DN và hiệp hội đều đã có ý kiến nhưng chắc cũng không thay đổi được tình hình.

Việc tăng lương tối thiểu cũng đang được dự báo sẽ làm giảm sức hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Có thể thấy tăng lương tối thiểu để giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn. Nhưng trước những ý kiến của cộng đồng DN, Chính phủ cũng cần có những tính toán kỹ lưỡng hơn để DN có thể phát triển trong điều kiện thuận lợi nhất. Sự phát triển của DN chính là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của kinh tế-xã hội.

Các tin khác