Tham vọng 10 tỷ USD rau củ quả

(ĐTTCO) - Năm 2017 xuất khẩu (XK) rau quả có thể đạt kỷ lục mới với kim ngạch trên 3 tỷ USD, và kỳ vọng đến năm 2022 kim ngạch XK mặt hàng này có thể đạt tới 10 tỷ USD. 
 
Cơ sở kỳ vọng
Tính đến hết tháng 9-2017, kim ngạch XK mặt hàng rau quả đạt 2,64 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kim ngạch cả năm 2016 (2,45 tỷ USD). Dự kiến hết năm nay rau quả sẽ mang về kim ngạch hơn 3 tỷ USD. Các thị trường XK lớn nhất về rau quả của Việt Nam thời gian qua gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, chiếm hơn 85% tổng giá trị XK mặt hàng này.
Tại phiên họp Quốc hội mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định: “XK dầu thô năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD, trong khi đó XK gạo đạt 2,15 tỷ USD; XK cà phê 3,3 tỷ USD; XK thủy sản 7 tỷ USD; XK rau củ quả 2,45 tỷ USD. Như vậy lần đầu tiên năm 2016, XK rau củ quả lớn hơn XK dầu lửa. Nhìn lại lịch sử, năm 2005, XK dầu lửa 7,3 tỷ USD, gấp 31 lần XK rau quả lúc đó 235 triệu USD”. 
 Để đi đường dài nhất định phải duy trì chất lượng ổn định cho trái cây và các mặt hàng nông sản XK. Thời gian này chúng ta đang giới thiệu nhiều nông sản độc đáo của Việt Nam với thế giới. Khi những thị trường khó tính về chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… thông qua, nhiều quốc gia khác cũng chấp nhận. Nếu lâu dài chúng ta không đảm bảo chất lượng, ổn định doanh số XK có thể lại bị sụt giảm. 
Ông Ưng Thế Lãm,
Giám đốc Công ty tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu
Theo biểu đồ tăng trưởng trong 5 năm gần đây, mỗi năm XK rau quả tăng trưởng hơn 30%, từ năm 2012 kim ngạch chỉ gần 900 triệu USD, năm nay có thể đạt kỷ lục hơn 3 tỷ USD và dự báo năm 2022 tăng lên thành 10 tỷ USD.
Nhiều sản phẩm rau gia vị và trái cây tươi của Việt Nam đã vào được các thị trường khó tính và có giá trị cao như lá tía tô xuất đi Nhật Bản với mức giá 500-700 đồng/chiếc lá. Hay mới đây, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép XK thanh long vào Australia.
Tháng 9 vừa qua Hoa Kỳ đã chính thức cho phép Việt Nam XK vú sữa vào nước này. Đây là kết quả sau gần 10 năm Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký và được Hoa Kỳ xem xét thông qua về điều kiện kiểm dịch thực vật. Như vậy đến nay cùng với vải, nhãn, chôm chôm và thanh long thì vú sữa là loại quả thứ năm Việt Nam được phép XK sang thị trường Hoa Kỳ.

Chuyên nghiệp hóa nông dân
Trái vũ sữa để vào được Hoa Kỳ phải mất 10 năm. Không riêng Hoa Kỳ, những thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… thông thường Việt Nam phải mất 3-8 năm đàm phán mới có thể đưa một loại nông sản vào. Nhưng trong quá trình XK, nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hay chất lượng thiếu đồng đều, khả năng mặt hàng đó sẽ bị hạn chế, thậm chí cấm XK lại vào các thị trường này.
Vậy nhưng tồn tại nghịch lý, DN là đơn vị chịu trách nhiệm XK, nhưng sản phẩm nông sản lại chủ yếu làm ra bởi bà con nông dân, phụ thuộc rất lớn về chất lượng. Để đào tạo nông dân theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao là bài toán làm đau đầu nhiều chủ DN XK trái cây cũng như các mặt hàng nông sản. 
Tham vọng 10 tỷ USD rau củ quả ảnh 1 Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép XK thanh long vào Australia. 
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, DN đang XK chuối sang thị trường Nhật Bản, nhìn nhận để có những trái chuối đạt tiêu chuẩn XK sang Nhật, Huy Long An phải đào tạo công nhân rất bài bản. DN mất nhiều thời gian để đào tạo đội ngũ “bảo vệ trái chuối” theo chuẩn khắt khe của đối tác. Nhưng tính tuân thủ của nông dân Việt Nam vẫn còn rất thấp.
“Họ thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ, thậm chí trong quá trình làm họ cho rằng nếu có sai sót chút đỉnh cũng không sao, điều này cực kỳ nguy hiểm. Đó là lý do Huy Long An không dám ký nhiều hợp đồng trong khi nhu cầu nhập khẩu của đối tác rất lớn” - ông Huy chia sẻ. 
Hiện nay dù XK sang những thị trường khó tính có giá trị sản phẩm nông sản cao hơn, nhưng do những đòi hỏi khắt khe nên nông dân không mặn mà. Bên cạnh đó, việc thanh toán của các DN XK phải theo lịch chứ không phải cứ xuất hàng sẽ có tiền ngay. Trong khi các DN thu mua nhỏ lẻ rồi xuất qua thị trường tiểu ngạch Trung Quốc dù rủi ro cao, giá thành bấp bênh, nhưng lại không bị đòi hỏi nhiều về chất lượng, được lấy tiền “tươi” nên rất kích thích nông dân. Để tìm giải pháp cho mình nhiều DN phải tự quy hoạch vùng trồng, mua của nông dân trong vùng liên kết nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng và sản lượng theo đơn hàng XK lớn. 
Làm sao chuyên nghiệp hóa nông dân, giúp họ tham gia vào các khu nông nghiệp công nghệ cao là một thách thức. Dù câu chuyện liên kết 4 nhà: DN, Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông vẫn được bàn nhiều, nhưng vẫn chỉ dừng ở lý thuyết, còn thực tế nhiều nhóm ngành nông - thủy sản nối kết này vẫn quá lỏng lẻo. Do đó tham vọng đích đến 10 tỷ USD XK hàng rau củ quả vẫn là thách thức, phải cần nhiều chuyển biến, hành động cụ thể hơn để biến tham vọng thành hiện thực.

Các tin khác