Đối thoại giữa các bộ trưởng APEC

Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên

(ĐTTCO) - Trong khuôn khổ tuần lễ APEC tại Cần Thơ (diễn ra từ ngày 18 đến 25-8), buổi Đối thoại giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO đã thu hút rất đông đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.
 2 chủ đề chính được các đại biểu thảo luận: Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để đảm bảo sản xuất lương thực bền vững và lợi nhuận cao cho các đối tác trên toàn chuỗi; đầu tư sản xuất lương thực và chế biến lương thực bền vững - vai trò của khu vực công và tư.
Ứng dụng công nghệ
 Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có đầu tư nông nghiệp, ưu đãi DN đầu tư vào nông nghiệp; đồng thời khuyến khích ưu tiên các dự án gắn sản xuất với vùng nguyên liệu, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trong các ngành hàng nông lâm thủy sản chủ lực, có tiềm năng thị trường và khả năng cạnh tranh tốt.
Ông Hà Công Tuấn,
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT
Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà nhận định: “Chúng ta đang sống trong một thế giới các tài nguyên như đất, nước, biển và rừng đang trở nên ngày càng quý hiếm do tác động của tình trạng gia tăng dân số, xu hướng đô thị hóa diễn ra ở mọi nơi, gia tăng nhanh chóng cả về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan và cả những bất ổn khác đang thách thức tăng trưởng và phát triển của khu vực và toàn cầu khác”.
Theo Bộ trưởng, trong những năm qua, khu vực tư nhân đã chủ động tham gia tích cực vào việc nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tự nhiên và con người, nhằm đảm bảo sản lượng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ: chất lượng đất nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện, nguồn nước ngày càng khan hiếm, sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm khai thác vẫn bị thất thoát và lãng phí. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, có trách nhiệm và tái tạo nguồn lợi đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết.

Ông Nathan Betele, Giám đốc phụ trách khu vực vùng của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng đến khả năng sản xuất thực phẩm, có 11 cây trồng chính sẽ bị suy giảm năng suất, đặc biệt một số suy giảm 50%. Trong khi đó, chúng ta cũng phải đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng với 2 tỷ người trên thế giới và vấn đề thất thoát, lãng phí lương thực, làm mất đi khoảng 11% GDP. Vì thế, các nền kinh tế cần phải thay đổi, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, khoa học, nhất là công nghệ mới, tiết kiệm nước, tăng năng suất cây trồng.
“Chúng ta không chỉ đáp ứng nhu cầu thế giới về lương thực mà còn phải đạt mục tiêu chấm dứt nạn đói trên toàn cầu” - ông Nathan Betele nhấn mạnh.

Việc nâng cao năng lực của nông dân cũng là vấn đề được nhiều diễn giả đề cập đến. Bà Anne Ruston, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Australia, chia sẻ nước này đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới để hỗ trợ DN, nông dân sử dụng tài nguyên bền vững, có trách nhiệm. Điều quan trọng là tất cả nghiên cứu đều mang lại lợi ích  cho nông dân tham gia như quản lý đất, nước tốt hơn, đảm bảo nông nghiệp bền vững, cải thiện hoạt động của nông dân.
Cùng quan điểm, bà Aruna Rachakonda, Tổng giám đốc Dekalb Việt Nam, cho rằng để đạt được an ninh lương thực và phát triển bền vững cần 2 nhân tố chính: Đổi mới công nghệ nông nghiệp và đổi mới chính sách nông nghiệp.
“Nông dân luôn cần được đặt ở trọng tâm của mọi chiến lược và chương trình an ninh lương thực và BĐKH. Điều hiển nhiên là nếu công nghệ không thể tới tay của nông dân, công nghệ sẽ không thể tạo ra bất kỳ tác động nào. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chương trình hợp tác liên ngành và đa quốc gia, nhằm tăng tốc độ đổi mới và ứng dụng công nghệ của nông dân tại các nền kinh tế APEC cũng như trên toàn thế giới” - bà Aruna Rachakonda chia sẻ.
Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên ảnh 1 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tìm hiểu giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: HÀM LUÔNG 
Thúc đẩy PPP theo chuỗi giá trị
Để sử dụng tài nguyên có hiệu quả, việc huy động hợp tác công - tư (PPP) được nhắc đến như một giải pháp giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Jean-Pierre Dawance, Giám đốc kỹ thuật Nestle Việt Nam, bày tỏ lo ngại khi “ít nông dân quan tâm làm việc ở các nông trường, trang trại, con cái của họ muốn đi Hà Nội, TPHCM làm việc”.
Vì thế, cách đây 5-6 năm, DN này đã chia sẻ tri thức tưới tiêu, bón phân, những thực hành nông nghiệp tốt nhất cho nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên. Nhờ các biện pháp cắt tỉa, tưới tiêu tiết kiệm, thay cây cà phê già cỗi bằng những cây mới, sau vài năm sản lượng cà phê đã tăng lên 40%.
“Như vậy, chúng tôi đã tăng thu nhập cho nông dân 40% trong khi tiết kiệm 40% lượng nước tưới, giảm phát thải hơn 50%” - ông Jean-Pierre Dawance nói và cho biết đây là một trong những mô hình thành công nhờ PPP. Nestle Việt Nam đang mở rộng mô hình này ra các mặt hàng khác như chè, hồ tiêu...

Thượng nghị sĩ Anne Ruston, Đồng Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Australia, cho rằng đến năm 2050 dân số toàn cầu sẽ lên đến 10 tỷ người, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng phải sản xuất lương thực tăng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này cần xem xét về đất, sử dụng tài nguyên nước ít hơn, phân bón...
Sử dụng nước hiệu quả sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, Chính phủ cần khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Ở Australia, Chính phủ tích cực hỗ trợ nghiên cứu phát triển, mang lại lợi ích của nông dân nên nông dân cũng tham gia các sáng kiến về quản lý đất, quản lý nước để đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững...
Trong khi đó, đề cập tới mô hình PPP ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý: “Chúng ta cần nỗ lực hợp tác để khu vực tư nhân, với sự đi đầu của các DN và tập đoàn tham gia mạnh mẽ hơn nữa, trở thành đối tác chính giúp các nền kinh tế hình thành khả năng phục hồi sản xuất và thích ứng với BĐKH”. 

Về định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhận thức sâu sắc 2 vấn đề là quốc gia đang chịu ảnh hưởng BĐKH, và đất nước nông nghiệp truyền thống đang trong quá trình chuyển đổi gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường, nền kinh tế mở hoàn toàn.
Do đó, Việt Nam cần tập trung hơn sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ theo mô hình nông nghiệp xanh. Thời gian qua Chính phủ đã ban hành 2 chương trình hành động quan trọng về thích ứng với BĐKH và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó đã xây dựng và kiện toàn môi trường chính sách, khuyến khích sự phát triển của mô hình PPP và đã đạt được những thành tựu ban đầu trong việc thí điểm một số mô hình sản xuất bền vững với các sản phẩm chủ lực. 

Các tin khác