Sẵn lòng lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm

(ĐTTCO) - Mấy chục năm gắn bó với ngành cơ khí khuôn mẫu, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc không chỉ đưa DN mình trở thành đối tác của nhiều bạn hàng khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, mà còn luôn rộng cửa chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho DN bạn cũng như các trường đại học. 
ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông để hiểu sâu hơn chuyện nghề.
PHÓNG VIÊN: - Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề cơ khí khuôn mẫu, gắn bó nhiều năm và chinh phục được nhiều khách hàng khó tính?
Ông NGUYỄN VĂN TRÍ: - 13 tuổi tôi đã bắt đầu tìm hiểu và yêu thích nghề cơ khí. Tôi may mắn được đào tạo khá bài bản trong lĩnh vực này và được làm việc tại nhiều nhà máy trước khi chính thức thành lập Công ty Lập Phúc. Khi có DN riêng, tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực để có thể làm việc với các khách hàng khó tính từ những nước phát triển, nhằm phần nào thay đổi cái nhìn của họ về Việt Nam.
Chính vì thế trong quá trình làm việc, tôi luôn cải tiến để không bị trình độ khoa học công nghệ (KHCN) của thế giới bỏ rơi. Tôi là một trong số ít những người Việt Nam đầu tiên mạnh dạn đầu tư máy phay CNC dùng kỹ thuật số vào những năm 1994, 1995. Nhờ đó Lập Phúc bắt đầu làm được những sản phẩm khuôn mẫu có chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Khách hàng từ Nhật, Pháp, Hoa Kỳ đã hỗ trợ tôi rất nhiều, như khách hàng Nhật cho chúng tôi xem những khuôn mẫu của họ để học hỏi, hay phía Hoa Kỳ mời chúng tôi qua nhà máy của họ để chia sẻ thêm nhiều kiến thức. 
Sẵn lòng lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm ảnh 1 Sản xuất khuôn mẫu phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ tại Công ty Lập Phúc. 
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, Lập Phúc đã liên tục nhập máy móc thiết bị hiện đại, vốn đầu tư hiện nay lên tới hơn 10 triệu USD. Có được nguồn vốn này để đầu tư tôi cũng phải cảm ơn khách hàng của mình, đó là  những DN sau khi chúng tôi cùng bản thảo họ sẵn sàng ứng tiền cho Lập Phúc nhập máy móc, sau này làm khuôn mẫu trừ dần.
Tất nhiên không chỉ nhập khẩu, với nền tảng KHCN của mình cũng tự chế tạo một số máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ đó giúp giảm chi phí nên có thể cho ra đời những sản phẩm chất lượng ngang Nhật Bản nhưng giá thành rẻ hơn Trung Quốc.
Hiện tại chúng tôi không ngại cạnh tranh với các DN từ các nước phát triển như Đức. Lập Phúc cũng đạt danh hiệu DN KHCN do Sở KHCN TPHCM cấp vào năm 2014, và năm 2015 nhận danh hiệu DN công nghệ cao của Bộ KHCN cấp. 
- Nhiều DN cho biết ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho các trường đại học và cả các DN bạn. Điều gì khiến ông làm như vậy?
- Hiện nay trong ngành cơ khí số lượng kỹ sư giỏi, thợ giỏi đang thiếu nghiêm trọng, một phần nguyên nhân đến từ khâu đào tạo tại các trường đại học. Ở hầu hết các trường kiến thức trong giáo trình quá cũ, phương tiện thực hành thiếu thốn. Mà để cập nhật kiến thức thường chỉ có tại các nhà máy, nơi mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại.
Thấu hiểu điều này nên khi nhập máy móc hiện đại, nắm được nhiều công nghệ, tôi đều chia sẻ tài liệu lại với các thầy cô ở một số trường đại học. Cho các em sinh viên đến công ty tham quan, thực tập để nâng cao trình độ, năng lực trước khi ra trường. Cũng có người hỏi rằng khi làm vậy các em ra trường có quay lại đầu quân cho chúng tôi không, thường thì không. Các em thích làm việc cho khối DN FDI, nhưng như vậy cũng tốt. 
Còn với các DN bạn trong ngành, tôi cũng luôn mở rộng cánh cửa chào đón mọi người, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm khi mua máy móc, sản xuất và vận hành. Tôi đã làm chủ được KHCN thì không có gì phải lo ngại DN khác vượt qua mình khi chia sẻ, tôi muốn DN mình là con chim đầu đàn cùng kéo DN khác đi lên.
Tất nhiên, để đầu tư trong ngành cơ khí phải thực sự yêu nghề và không nên quá toan tính trong bài toán đầu tư. Chẳng hạn khi đầu tư một cái máy 10 tỷ đồng làm không hiệu quả bán lại 3 tỷ không ai mua. Do vậy xác định đầu tư phải tính toán làm sao để khai thác nó hiệu quả nhất, quá tính toán khó đạt đỉnh cao trong lĩnh vực này. 
- Được biết 4 người con trai của ông đều theo học những ngành liên quan đến cơ khí khuôn mẫu, và 2 người đã về làm tại Lập Phúc. Ông đã truyền lửa yêu nghề cho con mình ra sao? 
- Con cái cũng là niềm tự hào của tôi. 4 người con của tôi đều học thạc sĩ, tiến sĩ tại Hoa Kỳ về các chuyên ngành liên quan đến cơ khí khuôn mẫu. Thực sự để hướng con du học rồi quay lại Việt Nam làm việc là cả một chiến lược không đơn giản.
Tôi không chỉ muốn con cái mình làm việc cho Lập Phúc, còn mong muốn với những kiến thức thu nạp được ở các nước phát triển đem về thỉnh giảng tại một số trường đại học, chia sẻ kiến thức của mình với các em học sinh, sinh viên. Tôi luôn nói với con mình rằng, khi đến các nước phát triển họ khá coi thường người Việt Nam, vì thế mỗi người bằng năng lực phải hành động hơn là ngồi đó than vãn. 
Việc con cái tiếp bước công việc của tôi cũng là lời khẳng định cho những bước phát triển bền vững và lâu dài của Lập Phúc. Bởi riêng trong ngành cơ khí khuôn mẫu, để có thể hợp tác các khách hàng luôn đánh giá tính bền vững của DN.
Giả sử như khi chúng tôi làm khuôn mẫu cho Colgate họ yêu cầu một khuôn phải bảo hành 2 năm và 15 năm sau phải cung cấp phụ tùng để sửa chữa khuôn. Mình phải quản lý dữ liệu cho họ trong khoảng 17 năm. Nếu mình không phát triển bền vững không ai dám hợp tác, vì khuôn của DN này làm DN khác khó để sửa hay thay thế phụ tùng. 
 Kinh tế tư nhân là động lực phát triển của kinh tế Việt Nam, song dường như vẫn chỉ là định hướng của các lãnh đạo cấp cao, còn thực tế ở dưới các cán bộ công chức vẫn chưa thực hiện việc nói đi đôi với làm để xây dựng lòng tin cho DN. Đã không ít lần tôi cảm thấy nản vì thiếu sự trợ lực của nhiều cán bộ nhà nước trong hành trình phát triển của DN mình. Nhưng rồi cũng cố gắng vượt qua. 

Các tin khác