Rủi ro phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

(ĐTTCO) - Thực trạng nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất không còn mới.
Rủi ro phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
 Thế nhưng khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như khi các quốc gia lập nhiều rào cản kỹ thuật hơn, cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với khó khăn khi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.
Hàng xuất khẩu chủ yếu nhập nguyên liệu

Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ ngày 15-6, Bộ Nông nghiệp Australia chấp nhận các đơn xin phép nhập khẩu đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín được đánh bắt tự nhiên ở Australia rồi xuất khẩu sang Việt Nam để chế biến, sau đó tái nhập vào Australia.
Như vậy, sau khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 9-1-2017, đến nay Australia đã 5 lần thông báo nới lỏng lệnh cấm, chính phủ nước này đã loại trừ 8 sản phẩm tôm ra khỏi lệnh tạm dừng nhập khẩu. Như vậy việc nhập tôm nguyên liệu từ Australia rồi chế biến xuất ngược lại được xem là một giải pháp để giải quyết khó khăn thị trường, vì Australia hiện đang nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn của tôm Việt Nam.
Quý I-2017, tôm của Việt Nam xuất khẩu sang 68 thị trường khác nhau, trong đó 10 thị trường lớn nhất chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu, Australia nằm vị trí thứ 7 trong 10 thị trường này. Việc nhập khẩu tôm nguyên liệu cũng diễn ra từ nhiều năm qua, do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến, xuất khẩu nên Việt Nam cũng phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ hay Bangladesh. Không chỉ ngành tôm mà nhiều ngành xuất khẩu khác của Việt Nam cũng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điển hình như ngành điều, năm 2016 ghi nhận một kỷ lục xuất khẩu mới khi đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, nhưng lượng điều thô nhập khẩu cũng đạt kỷ lục với 1,06 triệu tấn (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD). Trong 5 tháng đầu năm 2017, lượng điều thô nhập khẩu của DN cũng tăng kỷ lục với kim ngạch 721 triệu USD, tăng 49% về lượng và 94% về giá so với cùng kỳ.  Tương tự, ngành dệt may cũng thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chỉ riêng mặt hàng vải các DN đã phải nhập khẩu đến 86% (chủ yếu từ Trung Quốc) để phục vụ sản xuất và xuất khẩu do chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngành da giày cũng phải đối mặt với nỗi lo nhập khẩu vẫn còn quá lớn. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong ngành da giày hiện chỉ đạt từ khoảng 40% và vẫn phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũi giày, nhựa PPC, sơn PU, vải, keo…
Rủi ro phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu ảnh 1 Ngành điều lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu nhưng chủ yếu nhập nguyên liệu về chế biến. Ảnh: LONG THANH 
Đối mặt nhiều khó khăn
Nhập khẩu phần lớn nguyên liệu cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của DN xuất khẩu Việt Nam sẽ ít đi. Quan trọng hơn, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhiều nước đang dựng lên những hàng rào kỹ thuật khắt khe đối với hàng nhập khẩu.
Vào thời điểm TPP còn nóng, các DN, hiệp hội thuộc nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày từng đứng ngồi không yên bàn câu chuyện làm sao đảm bảo quy tắc xuất xứ để có thể đẩy mạnh xuất khẩu nhằm hưởng lợi từ hiệp định này. Những vấn đề như đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ được bàn tới liên tục, nhiều dự án đầu tư cả trong và ngoài nước liên tiếp đổ bộ nhằm đón đầu TPP. Thế nhưng từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, mọi thứ lại dần nguội đi mặc cho 11 nước còn lại đang bàn tính đến một TPP không có Hoa Kỳ. 

Nhưng Việt Nam không chỉ đàm phán riêng TPP mà còn nhiều hiệp định thương mại tự do khác đã và sắp được thực thi, trong đó cũng có nhiều đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ.
Đơn cử như FTA Việt Nam - EU, theo hiệp định này EU sẽ bỏ thuế nhập khẩu cho nhóm hàng dệt may Việt Nam trong vòng 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép (tiêu chuẩn xuất xứ đơn là vải có thể được nhập khẩu rồi cắt may tại Việt Nam, tiêu chuẩn kép là vải phải được sản xuất tại Việt Nam và khâu cắt may cũng tại Việt Nam). 

EU cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nguồn gốc xuất xứ. Nghĩa là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác với EU cũng được coi là có nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Đây là một thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam.

Cũng liên quan đến thị trường EU, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cho biết xuất khẩu vào EU hiện chỉ chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này nhưng việc đẩy mạnh đưa hàng vào thị trường này rất quan trọng vì khi vào được châu Âu thì sẽ vào được nhiều thị trường khác. Thế nhưng để vào được EU các sản phẩm gỗ của Việt Nam phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ cũng như những chứng chỉ bền vững (FSC).
Theo bà Bùi Thị Việt Anh, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đây là một thách thức đối với các DN. Bởi tỷ lệ rừng được cấp chứng nhận FSC của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng 2-3%. Còn gỗ nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu đến từ các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, châu Phi… nên gặp rủi ro không nhỏ về nguồn gốc gỗ nguyên liệu hợp pháp. 

Các tin khác