Quản lý rừng ở Phú Yên: Sai phạm cấp phép khai thác khoáng sản

(ĐTTCO) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa báo cáo kết quả kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng 16ha rừng đặc dụng để thực hiện dự án khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ thi công hầm đường bộ Đèo Cả của CTCP Tập đoàn Hải Thạch. 
Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong cấp phép, lựa chọn địa điểm khai thác khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Cụ thể, khu vực lựa chọn khai thác đất san lấp VLXD phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả có diện tích 16ha tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, đang được quy hoạch là đất rừng đặc dụng, có chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, là khu vực cấm hoạt động khai khoáng theo quy định của Luật Khoáng sản. Hiện khu rừng đặc dụng này đang được Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả ký hợp đồng giao khoán cho 11 hộ dân bỏ vốn thực hiện trồng rừng.
Tuy nhiên, theo đề xuất của Tập đoàn Hải Thạch, các sở ngành tỉnh Phú Yên đã cấp phép khai thác khoáng sản, và bổ sung 16ha rừng đặc dụng vào quy hoạch khoáng sản. Điều này chưa phù hợp với quy định tại Điểm 1 Điều 28 Luật Khoáng sản. Ngay sau khi được bổ sung vào quy hoạch khoáng sản, Tập đoàn Hải Thạch đã lập thủ tục thăm dò, khai thác khoáng sản và thuê đất.
Và do tính cấp bách của dự án hầm đường bộ Đèo Cả, mặc dù hồ sơ dự án chưa hoàn chỉnh, chưa được phê duyệt nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Phú Yên vẫn ra báo cáo (số 61/BC-STNMT ngày 20-3-2012) kiến nghị UBND tỉnh cho phép Tập đoàn Hải Thạch vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục cấp phép. Khi đó, dù Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên đã có văn bản cung cấp thông tin về khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác khoáng sản, nhưng UBND tỉnh Phú Yên vẫn cấp giấy phép khai thác khoáng sản (số 40/GP-UBND) cho Tập đoàn Hải Thạch với trữ lượng khai thác 642.000m3, thời gian khai thác 5,5 năm.
Quản lý rừng ở Phú Yên: Sai phạm cấp phép khai thác khoáng sản ảnh 1 TTCP đã phát hiện hàng loạt sai phạm về khai thác khoáng sản phục vụ thi công hầm đường bộ Đèo Cả. 
Mặt khác, theo dự án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt thì Tập đoàn Hải Thạch phải trồng cây Sao Đen trên toàn bộ diện tích khai thác, nhưng sau đó UBND tỉnh lại chấp thuận cho DN nộp bằng tiền, đến nay công ty đã nộp đủ 815 triệu đồng tiền trồng rừng thay thế.
Tuy nhiên điều này không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường đã phê duyệt. Sở TN-MT đã tham mưu, trình UBND tỉnh Phú Yên thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho Tập đoàn Hải Thạch thuê đất để thực hiện dự án khi chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND huyện Đông Hòa, diện tích khu đất là rừng đặc dụng, chưa chuyển mục đích sử dụng rừng, là vi phạm quy định Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai 2003.
Theo kết luận của cơ quan thanh tra, Tập đoàn Hải Thạch phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách nhà nước liên quan đến việc thực hiện dự án khai thác khoáng sản, đất san lấp VLXD để thi công hầm đường bộ Đèo Cả. Cụ thể, DN này phải nộp tiền thuê đất giai đoạn 2012-2017 khoảng 2,1 tỷ đồng, tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường khoảng 1,18 tỷ đồng, và khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến nay chưa xác định được.
Với những sai phạm nêu trên, TTCP đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Phú Yên giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng, không điều chỉnh sang đất khác đối với khu vực mỏ đất có diện tích 16ha, thực hiện ngay việc phục hồi môi trường, trồng lại rừng theo phương án đã được phê duyệt. Kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Yêu cầu Tập đoàn Hải Thạch khẩn trương thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường và trồng rừng ngay tại khu vực 16ha khai thác mỏ, và nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
 Tập đoàn Hải Thạch đã thực hiện sai so với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, không thực hiện hoàn trả mặt bằng theo quy định, không giữ lại phần đất bóc tầng phủ, khai thác quá độ sâu quy định, không lập hồ sơ thiết kế mỏ theo quy định, và khai thác vượt trữ lượng cho phép. Số liệu ghi nhận trong giai đoạn 2013-2017, Tập đoàn Hải Thạch đã khai thác hơn 1,2 triệu m3, vi phạm Luật Khoáng sản, chưa đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc thực hiện khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, chưa bàn giao mặt bằng là vi phạm Luật Đất đai 2003.

Các tin khác