Phòng ngừa chứng đột quỵ

(ĐTTCO) - Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, trong dân gian gọi là trúng gió,  để chỉ sự tổn thương một phần não bộ do tắc nghẽn mạch máu đi nuôi não hoặc vỡ mạch máu não. 

Sơ yếu bệnh lý
Bệnh đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi và phần lớn là nam giới. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ, thường là do cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch gồm xơ vữa động mạch, mỡ máu, bệnh mạch máu ngoại biên… Bên cạnh đó, lối sống không lành mạnh gồm lười vận động, béo phì, ăn nhiều thức ăn có cholesterol cao, nghiện bia rượu, thuốc lá, căng thẳng thần kinh cũng là những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Triệu chứng đột quỵ có các biểu hiện: Đột ngột đau đầu, choáng váng, chóng mặt, mất thị lực một bên hay cả hai bên. Rối loạn vận động như cử động chậm chạp, tay chân yếu hoặc liệt một phần cơ thể. Cứng miệng, không nói được hoặc nói năng lẫn lộn, vô nghĩa.
Phòng ngừa chứng đột quỵ ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Đối với bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp - tim mạch, cách tốt nhất là điều trị toàn diện và liên tục. Ngoài dùng thuốc còn phải kết hợp hai thay đổi: thay đổi lối sống (giảm stress, tập thể dục dưỡng sinh) và chế độ ăn cân bằng kiềm toan, bằng phương pháp trị liệu 4T (liệu pháp 4T) của Y học cổ truyền.
Người có bệnh này nên hạn chế stress, đặc biệt các stress làm cho tức giận, uất ức vì làm tăng huyết áp đột ngột, dễ gây vỡ mạch máu não. Giảm stress bằng thay đổi lối sống vị tha hơn là vị kỷ, đơn giản hóa cuộc sống, giảm tham - sân - si, trong mối quan hệ lẫn nhau cần Tôn trọng - Tương trợ - Tha thứ. Khi lên cơn giận cần hóa giải ngay bằng nhiều cách, như bỏ đi chỗ khác, nhắm mắt, hít thở sâu dài, tư duy tích cực…

Liệu pháp bằng thực phẩm
Người có bệnh lý này chú ý chế độ ăn cân bằng kiềm-toan (thực phẩm sinh axit đa số từ đạm động vật như thịt cá; thực phẩm sinh kiềm đa số từ rau củ, đậu, rong biển). Nói tổng quát là hạn chế thịt, sữa bò, đường, muối, các thực phẩm công nghiệp (đồ hộp), thực phẩm khô, đông lạnh; nên ăn nhiều thực phẩm hữu cơ tươi: rau củ đậu, trái cây, thực phẩm chưa tinh chế (gạo lứt, bánh mì đen, đường thô…). Đặc biệt ăn gạo lứt có thể làm giảm đường huyết. Chú ý nhai kỹ, hạn chế uống nước đá lạnh.
Phòng ngừa chứng đột quỵ ảnh 2 Rèn luyện thân thể rất có lợi đối với người bị bệnh tim mạch. 
Thể dục liệu pháp rất có ích đối với người bệnh tim mạch, tập bất cứ môn nào cũng được, tùy theo sở thích, điều kiện sân bãi. Dù tập môn nào cũng phải kết hợp hô hấp sâu, nhờ vậy cải thiện lưu thông máu huyết, góp phần hạn chế tắc nghẽn mạch máu gây đột quỵ. Ở người cao tuổi, các môn tập thích hợp là yoga, thái cực quyền, hương công, đi bộ, tránh những môn có tranh đua vì gây stress.
Cần uống liên tục các thuốc Tây đặc trị cao huyết áp và tiểu đường, tuyệt đối không được cắt ngang, chỉ có thể giảm liều dần khi bệnh đã ổn định và có hướng giảm bệnh. Khi giảm thuốc phải theo dõi thật sát huyết áp, đường huyết. Với liệu pháp T1, T2, T3, nếu thực hiện kiên trì, tích cực, có thể làm giảm bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch 1 cách căn cơ, từ đó tiến đến bỏ thuốc hẳn, nhưng T1, T2, T3 phải áp dụng suốt đời. Chú ý phải luôn theo dõi huyết áp và đường huyết suốt đời dù chỉ số đường và chỉ số huyết áp không tăng trong thời gian dài. 
Người bệnh cũng có thể kết hợp dược thảo mang tính hoạt huyết (thông khí huyết, chóng ứ trệ ) như: Ngưu tất, Đan sâm, Tam thất, Hương phụ, Ích mẫu, Xuyên khung, Đương quy, Đào nhân, Bồ hoàng, Tạo giác thích… Ngoài ra cần phải bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, chất kích thích tăng lực, ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày, không tắm lạnh buổi khuya, tránh gió, khí lạnh, không để tăng cân quá mức quy định
Phòng ngừa đột quỵ do bệnh tiểu đường và tim mạch không khó, đòi hỏi bệnh nhân phải hiểu biết rõ nguyên nhân bệnh; giải quyết toàn diện bằng T1, T2, T3 và thuốc Tây - Đông (T4). Thuốc chỉ cần giai đoạn đầu và có thể ngưng hẳn nếu xử lý triệt để nguyên nhân gây bệnh.

Các tin khác