"Phổ cập" chính sách ưu đãi đến DNNVV

(ĐTTCO)-Nhà nước cần có biện pháp "phổ cập" các chính sách ưu đãi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa mang lại hiệu quả như mong muốn Ảnh: Tấn Thạnh
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa mang lại hiệu quả như mong muốn Ảnh: Tấn Thạnh

Báo cáo mới nhất của Khối Thương mại và Cạnh tranh toàn cầu - Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam có đến 28 chương trình hỗ trợ doanhnghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), như Phát triển DN công nghệ cao và DNNVV; Quỹ Phát triển DNNVV; Hỗ trợ DN bao gồm DNNVV để thực hiện nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Thiếu tập trung

Tuy vậy, báo cáo cho rằng các chương trình và chính sách đang nhắm tới tất cả loại hình DN, trong đó có DNNVV, chứ không tập trung riêng cho khối DN yếu thế; còn thiếu những chương trình hỗ trợ quan trọng liên quan đến tăng cường năng lực cho DN trong giai đoạn quan trọng nhất là tăng trưởng và trưởng thành. Chưa kể, một số chương trình hỗ trợ DNNVV có mục tiêu tương tự nhưng được các bộ khác nhau khởi xướng nên có sự chồng chéo và khó lựa chọn DN được hưởng lợi.

Thực tế, theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2017, có 2 điểm mới giúp khối DNNVV có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Thứ nhất, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%, nhiều gói ưu đãi lãi suất cho một số DNNVV chỉ với mức 7,5%/năm. Thứ 2, một số ngân hàng đã không còn buộc phải thế chấp bất động sản như trước đây.

"Mặc dù tiếp cận vốn vay đã dễ nhưng số DNNVV tiếp cận vốn còn ít vì thủ tục phiền hà. Nếu không có các tổ chức tư vấn pháp lý, tư vấn dịch vụ thì việc các DN này tiếp cận vốn ngân hàng cũng không thể nhiều. Chưa kể, so với Trung Quốc lãi suất chỉ 5%/năm thì ta vẫn cao hơn 2,5%. Rõ ràng chi phí vốn đang là vấn đề tạo nên thua thiệt trong giá thành, năng lực cạnh tranh" - ông Mại nêu.

Trước đó, sự ra đời của Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tạo ưu đãi, kích thích DN nội địa trong ngành này sản xuất, phát triển mà DN nội địa ngành này lại chủ yếu là DNNVV.

Ông Trần Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, cho biết từ nghị định này, Bộ Công Thương đã triển khai danh mục ưu tiên chú trọng hỗ trợ, bao gồm: dệt may, da giày, điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao. Các ưu đãi tập trung vào việc miễn thuế thu nhập DN, giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu; ưu đãi về đất đai, tiền sử dụng đất. Ngoài ra, việc hình thành nguồn quỹ hỗ trợ phát triển, xây dựng các trung tâm nghiên cứu về công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thương hiệu quốc gia, triển lãm… được cho là tạo động lực cho DN trong khối này.

Tuy nhiên, Nghị định vẫn bị nhiều chuyên gia và DN đánh giá là không có những ưu đãi trực tiếp một cách mạnh mẽ, chương trình hỗ trợ cũng không nhiều và đây thực sự là một điều đáng tiếc.

Càng lớn càng được ưu đãi!

Một ý kiến đáng lưu ý là của bà Phan Nhật Minh, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Minh, trong một hội thảo mới đây khi đề cập đến các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đất đai chưa công bằng giữa DN nội địa và DN FDI. Bà Minh cho rằng: "Các DN nội địa cần được ưu đãi hỗ trợ như với Samsung hoặc ít nhất cũng phải bằng 50%. Chính sách như bây giờ vẫn là quá chênh lệch".

Giải thích về điều này, GS Nguyễn Mại cho rằng từ năm 2005, Luật Đầu tư và Luật DN ra đời cho đến khi sửa đổi 2 bộ luật này vào năm 2014, tinh thần chung là không phân biệt về ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Trong đó, ưu đãi nằm ở 3 phương diện là: ưu đãi cho công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu đãi cho các ngành định hướng phát triển trong tương lai và cuối cùng là ưu đãi về quy mô vốn. "Như vậy, hiện không có ưu đãi riêng cho DN FDI nhưng DN quy mô vốn lớn thì có ưu đãi nhiều hơn và DN FDI luôn nhận được ưu đãi vì họ thường có quy mô lớn" - ông Mại lý giải.

Điều này có thể hiểu là những ưu đãi chưa thực sự hiệu quả vì khối DNNVV được đánh giá là động lực của nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một công ty gia công cơ khí chính xác (trụ sở tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội; chuyên làm các linh kiện cơ khí chính xác cho Canon, Microsoft) cũng cho hay DN này chưa hề được tiếp cận bất cứ ưu đãi nào cho khối DNNVV tham gia cơ khí chế tạo dù đã đi vào sản xuất được 12 năm. Trong khi thực tế, lẽ ra DN này phải được hưởng ưu đãi "kép" bởi vừa là DNNVV vừa sản xuất ngành nghề trong nhóm được hỗ trợ.

Theo đại diện DN này, bản thân các DNNVV thường không có nhiều điều kiện để tìm hiểu các thay đổi về chính sách như DN lớn nên không cập nhật thông tin kịp thời, dẫn đến nhiều thiệt thòi. "Chúng tôi luôn biết DN phải tự thân tìm hiểu để nắm bắt các ưu đãi của nhà nước dành cho mình. Nhưng thực tế, không phải DN nào cũng có điều kiện làm điều đó. DN lớn có bộ phận phụ trách pháp chế, họ theo dõi được thường xuyên hơn, chúng tôi thì không có. Trong khi đó, chính sách được thông báo đến DN lớn chứ không thông báo đến DN nhỏ mà DN nhỏ, yếu thế mới là đối tượng cần tiếp cận, hỗ trợ" - vị đại diện này nói.

Góp ý thêm, đại diện DN này cho rằng không thiếu cách để nhà nước truyền tải chính sách đến DN. Ông đề xuất: "Khi chúng tôi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư của mỗi địa phương nắm được chúng tôi là DN có quy mô cỡ nào, có kinh doanh ngành nghề được ưu đãi hay không và có thể thông báo các thông tin hỗ trợ đến DN. Hay cơ quan thuế cũng có thể hỗ trợ thông tin cho DN bởi nhiều ưu đãi nằm ở nội dung này và cơ quan thuế có thể nắm được thông tin DN".

Các tin khác