Phải tạo sức ép công khai, minh bạch cho DNNN

(ĐTTCO) - Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng trở lại đây, có đến 3 hội nghị, hội thảo lớn về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tập đoàn kinh tế nhà nước với quy mô lớn có sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. 
Phải tạo sức ép công khai, minh bạch cho DNNN
Một trong những vấn đề quan trọng tại các sự kiện nêu trên được đề cập là công khai, minh bạch thông tin của DNNN để các cơ quan liên quan, công chúng giám sát, từ đó tạo sức ép để DNNN phải thay đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn.
“Cho đến nay, rất khó để nhanh chóng biết được chính xác hiệu quả, giá trị sổ sách, giá trị thị trường của khu vực DNNN nói chung và từng DN nói riêng, cũng như dòng vốn chủ sở hữu nhà nước đang vận hành trong nền kinh tế. Điều này cũng là rào cản để công chúng và thị trường có thể tham gia giám sát và đánh giá mức độ hiệu lực, hiệu quả đối với sử dụng vốn và tài sản công tại DN” - PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định.
Cũng theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, công cụ giám sát hiện chủ yếu là các báo cáo hành chính được gửi định kỳ theo quy định (và thường là chậm trễ), mà chưa có một hệ thống thông tin tài chính trực tuyến kết nối cơ quan đại diện chủ sở hữu với từng DN. Với cách thức giám sát này, cơ quan đại diện chủ sở hữu không thể nắm bắt chính xác và kịp thời tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN, để có thể đưa ra các quyết định quản lý kịp thời và phù hợp; càng không thể thực hiện được một trong những nội dung quan trọng nhất của hoạt động giám sát là cảnh báo rủi ro cho DN. 
Theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN, các DNNN phải công bố các thông tin về báo cáo tài chính năm; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm kế tiếp; báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo…
Tuy nhiên, số liệu được công bố tại “Diễn đàn quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa” diễn ra tuần qua, cho thấy năm 2017 mới có 265/622 DN (chiếm 42,6% số DNNN) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố thông tin trên cổng thông tin DN (năm 2016, tỷ lệ là 38,9%). Trong khi đó, do căn cứ chủ yếu vào báo cáo của DN, chưa có kiểm toán độc lập nên tính trung thực của các báo cáo này còn chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế hiện hành chưa tạo đủ áp lực để DN phải công bố thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật. Chế tài xử lý vi phạm không hiệu lực và hiệu quả đối với sử dụng vốn và tài sản công tại DN. 
Bình luận về việc 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, theo PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện Kinh tế chính trị học, Ủy ban cần xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất khung pháp lý về giám sát riêng phù hợp đối với các tập đoàn, theo hướng minh bạch thông tin một cách thực chất, khắc phục việc lạm dụng vị trí độc quyền nhà nước để chuyển thành độc quyền DN, gây khó khăn cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động.
Việc này phải được thiết lập để đảm bảo tính cạnh tranh và tạo động lực vươn lên từ bên trong đối với bản thân các tập đoàn trên thị trường. Để làm được như vậy, cần thể chế hóa thành luật mang tính pháp lý vững chắc, cũng như có sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo quốc gia và thẩm quyền đầy đủ cho ủy ban.

Các tin khác