Nội địa luôn là ưu tiên số 1

Chia sẻ với ĐTTC về chiến lược phát triển dài hạn của CTCP Bóng đèn Điện Quang, ông Hồ Quỳnh Hưng (ảnh), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, khẳng định dù xuất khẩu đang có nhiều dấu hiệu tốt nhưng thị trường nội địa luôn là ưu tiên số 1 của công ty.

Chia sẻ với ĐTTC về chiến lược phát triển dài hạn của CTCP Bóng đèn Điện Quang, ông Hồ Quỳnh Hưng (ảnh), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, khẳng định dù xuất khẩu đang có nhiều dấu hiệu tốt nhưng thị trường nội địa luôn là ưu tiên số 1 của công ty.

PHÓNG VIÊN: - Điện Quang hiện đang xuất khẩu sản phẩm đến hơn 30 quốc gia. Ông có thể chia sẻ bí quyết thành công của DN mình?

Ông HỒ QUỲNH HƯNG: - Xuất khẩu đã nằm trong chiến lược phát triển của Điện Quang từ năm 1997. Theo đó, chúng tôi đã dành nguồn lực đáng kể cho công tác này với mục đích chia sẻ rủi ro với thị trường nội địa, đồng thời mở rộng thị trường để khai thác quy mô sản xuất hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nói về xuất khẩu phải nói đến rủi ro như độ nhận diện thương hiệu chưa cao, chính sách, sự ổn định chính trị… Chẳng hạn, chúng tôi xuất khẩu khá nhiều sang Ai Cập, nhưng do chính trị bất ổn, việc xuất khẩu bị ngưng trệ, đến nay vẫn chưa quay lại được thị trường này.

Nói về bí quyết, tôi nghĩ mỗi DN, ngành nghề sẽ tìm ra con đường, cách thức riêng cho mình. Như tại thị trường Myanmar vài năm gần đây nhiều DN mới bắt đầu quan tâm, trong khi sản phẩm của Điện Quang có mặt từ hơn 10 năm nay và đã từng bị đánh thuế chống bán phá giá. Đó là lý do vì sao thương hiệu Điện Quang hiện bám rễ khá sâu ở thị trường này và được người tiêu dùng Myanmar ưa chuộng.

Có thể nói, thời gian đầu xâm nhập thị trường Myanmar, chúng tôi khá vất vả, nhất là trong việc tìm nhà phân phối phù hợp tiêu chí nhằm phát triển tốt nhất. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ổn định 15-20%/năm.

- Độ cạnh tranh ở các thị trường Điện Quang có mặt hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Việc cạnh tranh hiện nay chủ yếu với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, sản phẩm Điện Quang không đua vào phân khúc giá rẻ, vì bán bằng thương hiệu của chính mình nên phải luôn đảm bảo chất lượng. Về hiện tượng hàng giả, hàng nhái tại những quốc gia chúng tôi có mặt, Điện Quang phải chấp nhận “sống chung với lũ”.

Thí dụ, ở Myanmar người bán hàng hỏi khách hàng muốn mua Điện Quang nhái hay thật. Chúng tôi có thuê luật sư nhưng chưa thành công do một vài yếu tố luật pháp tại đây. Vì thế, trước mắt chúng tôi cùng nhà phân phối xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ cho tốt, chưa có giải pháp triệt để.

- Không chỉ xuất hàng hóa, Điện Quang còn cùng đối tác đầu tư xây dựng nhà máy tại Venezuela với mức góp vốn 30%. Đi xa và ít vốn hơn, liệu Điện Quang có gặp rủi ro?

- Đúng là khoảng cách quá xa nên chi phí rất cao. Tuy nhiên chúng tôi đã nghiên cứu kỹ thị trường và nhìn ra được tiềm năng lớn tại đây nên vẫn quyết định đầu tư. Xa gần không quan trọng bằng hiệu quả. Ngoài ra cũng có một số khó khăn khác như sự khác biệt về văn hóa. Nhưng đến nay cả 2 bên đang hợp tác khá tốt.

Còn việc Điện Quang đầu tư 30% tôi nghĩ không có rủi ro vì chúng tôi làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ cho phía bạn. Chúng tôi xác định rất rõ không liên doanh khi không nắm 1 trong 2 yếu tố công nghệ và thị trường, tài chính chỉ là một phần. Phía đối tác của chúng tôi cũng có kế hoạch khá rõ, đến năm 2017 khi nhà máy hoàn thành theo kế hoạch sẽ cung ứng cho thị trường nội địa, sau đó xuất khẩu sang các nước xung quanh.

- Xuất khẩu đang mang đến cho Điện Quang những thành công. Vậy có khi nào xuất khẩu sẽ lấn lướt nội địa?

- Chắc chắn là không. Chúng tôi luôn coi thị trường nội địa là ưu tiên số 1. Hiện nay thị trường nội địa của Điện Quang đang có mức tăng trưởng rất ổn định và tiềm năng phát triển phía trước còn rất lớn, bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm tiết kiệm điện của người dân ngày càng cao. Cũng phải nói thêm, sự cạnh tranh tại thị trường nội địa hiện nay rất khốc liệt. Trên thị trường hiện có khoảng 20 thương hiệu đang cạnh tranh với nhau.

Chính vì lẽ đó, Điện Quang đang tập trung 2 khâu là phát triển thương hiệu và trung tâm nghiên cứu - phát triển (trung tâm R&D). Trung tâm R&D hiện có khoảng 50 nhân viên và 3 năm nay chúng tôi làm khá tốt khi đưa ra khoảng 600 sản phẩm mới, 1/3 trong số này được thị trường đón nhận là thành công rồi.

Trong việc phát triển sản phẩm mới, chúng tôi đi theo theo 2 hướng: phát triển sản phẩm mới với các tính năng nổi trội, độc đáo mà thị trường chưa có; cải tiến sản phẩm hiện tại để giảm giá thành giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.

- Bên cạnh những thách thức về sản phẩm, công nghệ, vấn đề nhân lực có khiến Điện Quang lo lắng? Và ông có thấy hài lòng với những gì mình đã làm?

- Nhân lực thực sự là bài toán lớn. Trước đây, quản trị nguồn nhân lực thông qua chính sách chế độ. Điều này là quan trọng nhưng theo tôi chưa đủ. Hiện nay Điện Quang đang đi tìm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động.

Chẳng hạn, về thu nhập hiện Điện Quang chưa phải DN có thu nhập cao nhưng chúng tôi có định kỳ tăng lương và có hệ thống đánh giá KPI cho từng nhân viên để đảm bảo tính khách quan nhất. Ngoài ra, chúng tôi nỗ lực xây dựng văn hóa DN, có chính sách cổ phiếu thưởng cho nhân viên… Chúng tôi cũng mời cả tư vấn để tìm ra những cách thức phù hợp và hiệu quả nhất.

4 năm tôi ngồi ghế Tổng giám đốc, Điện Quang đã có những bước tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, để đạt được thành quả này là nhờ cả đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên của các thời kỳ. Cá nhân tôi chỉ làm công việc kế thừa, phát huy sức mạnh vốn có của Điện Quang. Vì thế thành công ngày hôm nay là sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến của cả tập thể. Còn nếu nói tôi hài lòng với công việc của mình chưa, tôi cho là chưa và muốn làm được nhiều hơn nữa.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác