Nội chiến ứng dụng gọi xe

(ĐTTCO) - Chỉ một thời gian ngắn sau khi Uber rút khỏi thị trường, các ứng dụng gọi xe trong nước liên tục ra mắt, cùng với đó là thông tin các đối thủ ngoại đang gấp rút đổ bộ vào Việt Nam. Cuộc đua chưa bao giờ nóng đến như vậy. 

Ào ạt xuất hiện
Ngày 12-6, ứng dụng gọi xe trực tuyến FastGo đã chính thức ra mắt tại Hà Nội, với mục tiêu sẽ có 20.000 tài xế trong 2 năm tới nhằm cạnh tranh với Grab. FastGo được phát triển bởi Tập đoàn NextTech, một DN thuần Việt, với 3 dịch vụ cốt lõi: Fast Car (dịch vụ xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân có nhu cầu gia tăng thu nhập); Fast Taxi (dịch vụ liên kết với các hãng taxi) và Fast Luxury (dịch vụ xe hơi sang trọng). Dự kiến tháng 7, FastGo sẽ có mặt ở TPHCM và mở rộng ra 8 tỉnh, TP lớn trong vòng 2 năm. 
Trước FastGo, ứng dụng gọi xe Aber cũng chính thức ra mắt người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM. Các dịch vụ Aber mang đến là Aber Bike (xe ôm công nghệ), Aber Car (taxi công nghệ), Aber Truck (xe giao hàng - xe tải), Aber Travel (trải nghiệm du lịch cùng Aber), Aber Business (xe DN), Aber Express (dịch vụ giao hàng). Đặc biệt, nền tảng bản đồ của phần mềm Aber được chính đội ngũ này tự xây dựng, không phụ thuộc vào bản đồ của Google, nên sẽ phù hợp, chính xác hơn với các tỉnh ở Việt Nam.
Một ứng dụng gọi xe Việt khác cũng thu hút được sự quan tâm trong thời gian gần đây là Vato. Ứng dụng này được đầu tư bởi Công ty vận tải Phương Trang với số vốn 100 triệu USD. Ứng dụng gọi xe này ban đầu có tên là FaceCar, đã có mặt từ 2 năm trước trên thị trường Việt Nam. Sau đó đổi tên thành Vivu, tuy nhiên do sự phát triển mạnh mẽ của Grab và Uber nên ứng dụng gọi xe này gần như không tồn tại. Cho đến khi Uber chính thức rời khỏi thị trường, Vivu được đổi tên thành Vato và trở lại đường đua với nhiều tham vọng chinh phục thị trường. 
Cũng trong ngày 12-6, các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho ra mắt nền tảng điều vận xe trực tuyến EMDDI - hệ thống đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế để dùng đồng thời cho nhiều đơn vị vận tải trên cùng hệ thống nhưng không làm mất tính chủ động của các đơn vị vận tải. Điểm khác biệt của EMDDI so với các hệ thống khác hiện nay là được sử dụng cho nhiều công ty nhưng người dân đi xe chỉ cần cài đặt một ứng dụng duy nhất.
EMDDI có khả năng phân biệt chính xác địa giới hành chính. Ở địa phương nào, EMDDI sẽ tự động kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải ở đó. Trong trường hợp ở một địa phương có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, EMDDI cho phép khách tự chọn hoặc để EMDDI tự động chọn xe phù hợp nhất. Không chỉ DN trong nước, một số DN nước ngoài cũng đang có những bước chuẩn bị tích cực cho cuộc đổ bộ vào thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam, trong đó  Go-Jek của Indonesia được xem là một đối thủ đáng gờm. 
Nội chiến ứng dụng gọi xe ảnh 1
Tăng tốc đua tranh
Việc có nhiều ứng dụng cùng tham gia thị trường sẽ khiến người tiêu dùng được hưởng lợi. Aber và FastGo đều cam kết không tăng giá cước vào giờ cao điểm. Đặc biệt FastGo là ứng dụng gọi xe bảo vệ khách hàng trên mỗi chuyến đi bằng bảo hiểm Fast Protection với nhiều lợi ích (giá trị lên đến 200 triệu đồng) để khách hàng yên tâm trên mọi hành trình.
Cũng nhắm đến việc chiều lòng các thượng đế, ứng dụng Vato cho phép khách hàng được trả giá với tài xế khi đặt xe. Bên cạnh đó, ứng dụng FastGo không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ %, chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày. Aber cũng không thu phí tài xế nếu doanh thu trong tháng dưới 500.000 đồng và sẽ không thu theo mức cố định hàng tháng…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những ứng dụng mới này có thực sự thay thế được vai trò của Grab. Bởi vào trang fanpage của Vato sẽ đọc được nhiều lời than phiền của khách hàng, như Vato chưa cho thanh toán thẻ; thái độ của tài xế quá tệ… Còn trên trang fanpage của Aber mới ra mắt khoảng 1 tuần cũng có không ít lời than phiền về ứng dụng chưa hoàn thiện khiến khách cài đặt khó, tài xế tìm đường chưa chuẩn xác. 
Trong khi các ứng dụng Việt còn đang trong quá trình hoàn thiện và phải chi một khoản tiền không nhỏ để quảng bá nhằm thu hút khách hàng, Grab đang nhanh chóng sửa sai bằng nhiều chương trình, như 90 ngày nỗ lực hoàn thiện nhằm giải quyết các vướng mắc khách hàng và tài xế gặp phải khi sử dụng ứng dụng này.
“Một trong những lý do quan trọng là Grab liên tục cập nhật các ứng dụng mới nên tôi vẫn dùng Grab, chỉ cài thêm một ứng dụng để dự phòng và thăm dò” - anh Nguyễn Duy (TPHCM) chia sẻ. Điều này cũng từng được giám đốc của Go-Ixe, anh Hàng Bá Trí chia sẻ thế mạnh của các ứng dụng ngoại là đầu tư liên tục nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu người dùng. 

Các tin khác