Nội chiến Thị trường bán lẻ (K2): Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

(ĐTTCO) - Theo số liệu thống kê, hàng Việt đang chiếm từ 70-80% trong các kênh bán lẻ hiện đại, nhưng xét về bản chất tỷ lệ này lại thiếu tính bền vững, bởi người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng hóa có nguồn gốc từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… 
 
Vẫn chuộng hàng ngoại

Những ngày cuối tuần, Trung tâm thương mại AEON Tân Phú luôn trong tình trạng rất đông khách hàng, ở khu vực siêu thị tại quầy bán thực phẩm Nhật Bản có khá nhiều người tiêu dùng đang đứng xem và lựa hàng. Tất cả hàng hóa ở đây đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có nhãn phụ thuận tiện cho người mua nắm thông tin.
Chị Thu Hà, một khách hàng đang mua sắm tại đây, cho biết từ ngày có con nhỏ chị chuyển sang dùng khá nhiều sản phẩm của Nhật Bản vì tin tưởng vào chất lượng. Nếu trước đây, những sản phẩm như ruốc cá hồi hay súp cô đặc chị hay phải mua của những nơi bán hàng xách tay, thì nay trong các siêu thị Nhật đều có bán. Thậm chí từ những sản phẩm như bình sữa, nước giặt đồ em bé… chị đều ưu tiên chọn hàng Nhật. Nói về mức giá, nhiều người đồng tình tuy hàng Nhật có cao hơn nhưng về chất lượng được tuyệt đối tin tưởng. “Thà mua ít nhưng đảm bảo chất lượng, còn hơn mua nhiều mà lo lắng không biết có an toàn hay không” - chị Hà chia sẻ. 

Thực ra không phải món hàng Nhật Bản nào cũng có giá cao, hiện nay các siêu thị và cửa hàng Nhật Bản cũng giới thiệu tới người tiêu dùng nhiều sản phẩm hợp túi tiền hơn, đặc biệt tại một số cửa hàng đồng giá.
Chỉ với 40.000 đồng người tiêu dùng có thể chọn bất cứ món đồ nào có trong chuỗi cửa hàng đồng giá Komonoya hay chuỗi Daiso. Nếu như hàng Nhật bắt đầu xâm chiếm tâm trí người dùng Việt chỉ một thời gian ngắn gần đây, thì hàng Thái Lan lại có một quá trình lâu dài hơn. Không phải đến khi những đại gia Thái ra tay mua lại các chuỗi bán lẻ lớn như Big C hay Metro người dùng mới quan tâm hàng Thái.
Cách đây cả chục năm người tiêu dùng Việt Nam đã thích hàng Thái, từ hàng gia dụng đến hóa mỹ phẩm, thực phẩm như bánh kẹo… bởi giá thành không chênh nhiều với hàng Việt nhưng mẫu mã và chất lượng lại có nhiều phần vượt trội hơn. 

Trong nhiều lần trò truyện với ĐTTC, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch hội DN TPHCM, đều chia sẻ nhìn cảnh người tiêu dùng Việt Nam xách túi lớn túi bé đi ra từ hội chợ hàng Thái lại thấy xót cho hàng Việt và nhiều hội chợ Việt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), chia sẻ: “Tôi đã có dịp đi hội chợ hàng Thái Lan ở Cần Thơ thấy không quy mô như hội chợ hàng Việt mình. Họ cũng bán những mặt hàng bình thường nhưng người Việt vẫn chen chúc nhau mua. Điều này đủ thấy sức mạnh nội lực của hàng Thái”. Hội chợ đã đông nay có thêm hàng loạt các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nên hàng Thái khác nào “hổ mọc thêm cánh” trong con đường chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Song chính tâm lý của người tiêu dùng mới là rào cản lớn nhất để hàng Việt tìm cách bứt phá. 


Với đa dạng mẫu mã và giá thành, hàng Thái thắng thế hàng Việt trên sân nhà. 
Ảnh: LONG THANH 
Hàng Việt nội và Việt ngoại

Khi nghe con số thống kê tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 70-80% trong các kênh phân phối hiện đại, nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi. Trong buổi tọa đàm “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại” diễn ra cách đây không lâu, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhìn nhận đang có sự nhầm lẫn về khái niệm hàng Việt: “Nhiều người không đồng ý với con số này.
Có lẽ chúng ta nên thống nhất lại khái niệm thế nào là hàng Việt. Hàng Việt là những sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, các dịch vụ cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam. Một số DN bị nhầm lẫn vì thế mà cách đánh giá của họ thấp hơn so với con số thực tế đo đếm được”. Điều này có nghĩa hàng hóa của các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam cũng được xem là hàng Việt. Như vậy hàng thuần Việt do DN Việt Nam sản xuất lại có thêm một cuộc cạnh tranh ngầm nữa. 

Tất nhiên cũng có nhiều sản phẩm của Việt Nam có mặt trong hầu hết các chuỗi phân phối ngoại và sẵn sàng trong cuộc chiến với những sản phẩm ngoại. Đơn cử như khi khảo sát các mặt hàng có trong cửa hàng tiện lợi 7-eleven, chúng tôi cũng bắt gặp một số sản phẩm của Việt Nam bên cạnh các mặt hàng nhập ngoại như các sản phẩm của SG Food. Hay trong hệ thống của Big C cũng có rất nhiều sản phẩm của DN Việt Nam. Thậm chí các DN siêu nhỏ cũng đang được chuỗi này hỗ trợ đưa hàng vào chuỗi của mình.
Thế nhưng, công bằng mà nói trong cuộc chiến này DN nội rất chật vật. Đơn cử như câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Tồn, người khai sinh ra thương hiệu cà phê Long Triều. Hiện cà phê Long Triều đã được đưa vào hệ thống Big C, nhưng thương hiệu còn quá mới nên hành trình chinh phục người tiêu dùng đang khiến ông rất đau đầu. Nếu không chinh phục được người tiêu dùng, dù có vào được kênh phân phối hiện đại cũng sẽ bị bật ra. 

Một trong những điểm yếu của hàng Việt chính là mẫu mã và chất lượng chưa thực sự chinh phục người tiêu dùng, nhưng giá thành ngang ngửa hàng nhập. Như một số sản phẩm nhựa gia dụng hàng Việt và hàng Thái, nếu đặt lên bàn cân phần hơn vẫn thuộc về hàng Thái vì mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt và giá cả không chênh lệch với hàng Việt bao nhiêu. Từ nhiều năm nay người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen với cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thế nhưng, để người tiêu dùng thực sự chọn lựa chứ không phải “ưu tiên chọn”, hàng Việt phải cải tiến chất lượng, mẫu mã và giá thành, không thể buộc người tiêu dùng dành ưu tiên cho sản phẩm thiếu tính cạnh tranh. 

Cuộc chiến không chỉ dừng trên sân nhà mà thông qua các siêu thị ngoại DN còn có thể chinh chiến ở sân khách. Nhưng theo đánh giá của ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, dù chất lượng hàng hóa của DN trong nước đang được cải thiện rõ rệt so với trước đây, nhưng nhìn chung vấn đề nguồn hàng ổn định, phong phú chủng loại và kiểm soát tốt chuỗi sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại còn không ít hạn chế. Mong rằng trong cuộc cạnh tranh gay gắt này, hàng Việt sẽ nhìn ra áp lực thực sự để không ngừng cải tiến để vươn lên. 

Các tin khác