KỶ NIỆM 42 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Những triển vọng lạc quan

 
(ĐTTCO) - Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang nỗ lực vượt qua những thách thức nội tại và bên ngoài, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phía trước.

ĐTTC trích đăng những suy nghĩ, trăn trở của một số lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng lạc quan này.

Ông HÀNG BÁ TRÍ, Giám đốc CTCP GO – IXE:

Cơ hội rộng mở cho khởi nghiệp

Có thể khẳng định chưa bao giờ giới khởi nghiệp như chúng tôi lại có môi trường thuận lợi cho việc phát triển như hiện nay, bởi Nhà nước cũng như TPHCM đang tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi nhằm xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi nhất cho DN khởi nghiệp. Đó là sự hỗ trợ vốn, chính sách thành lập DN, chính sách thuế, những cuộc thi được trải dài trên khắp mọi miền đất nước dành cho các DN khởi nghiệp, vừa giúp DN khởi nghiệp có cơ hội gặp gỡ với các nhà tư vấn, đồng thời giải thưởng từ những cuộc thi này cũng là một nguồn vốn không nhỏ cho giới khởi nghiệp. Cùng với đó là sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư dành cho giới khởi nghiệp.

Ngay như DN của tôi, bên cạnh nguồn vốn tự có của cá nhân khi chọn con đường khởi nghiệp, tôi đã chọn cách tham gia các cuộc thi dành cho giới khởi nghiệp để có cơ hội cọ sát, được giám khảo đánh giá, góp ý cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Đồng thời nỗ lực dành được những giải thưởng từ các cuộc thi này để có thêm vốn, cũng như có thêm cơ hội thu hút các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần.

Cụ thể trong năm 2016 tôi đã tham dự cuộc thi starup Wheel do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệm (BSSC) tổ chức và đạt giải nhì. Trong năm 2017 này tôi sẽ tiếp tục tham gia 2 cuộc thi nữa là Nhân tài đất Việt và Shark Tank - chương trình truyền hình thực tế cho startup Việt lần đầu tổ chức tại Việt Nam.

Trong 2 cuộc thi này, tôi rất quan tâm đến Shark Tank. Ban giám khảo của Shark Tank phiên bản Việt là một hội đồng các nhà đầu tư tiềm năng sẽ cân nhắc đưa ra những lời đề nghị đầu tư đối với startup Việt. Họ là những doanh nhân lớn như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco, Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải... Đáng chú ý, khoản tiền đầu tư cho các dự án trong chương trình hoàn toàn là tiền của các đại gia này. Và đây là một chương trình truyền hình thực tế nên hiệu ứng truyền thông sẽ rất tốt.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, của TP cũng như nhiều tổ chức, quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần, bối cảnh hiện nay các DN khởi nghiệp còn nhận được sự trợ lực rất lớn từ các cơ quan truyền thông. Đây là cơ hội để các DN như chúng tôi được nhiều người biết đến hơn. Tất nhiên, trợ lực là rất cần thiết thế nhưng con đường của những DN khởi nghiệp không chỉ toàn hoa hồng. Bởi khi làm chủ DN cũng có nghĩa là bạn phải tự chịu mọi trách nhiệm cho hoạt động của DN mình. Chính vì thế nỗ lực tự thân là hết sức quan trọng. Cần phải có sự chuận bị tốt về vốn, kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt phải luôn có nhiệt huyết và đam mê mới mong thành công trên con đường mình đã chọn.

Những triển vọng lạc quan ảnh 1 Kinh tế Việt Nam đang đứng trước triển vọng lạc quan.

TS. HỒ QUỐC LỰC, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC):

Đóng góp mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD

Trong Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra mục tiêu tới năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, Việt Nam trở thành công xưởng tôm của thế giới. Con tôm phấn đấu chiếm tới 10% giá trị GDP. Theo tôi, chỉ tiêu này là định hướng mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ.

Hiện xuất phát điểm của Việt Nam là tôm nuôi năng suất chưa cao, giá thành cao, chỉ có mặt mạnh là trình độ chế biến cao. Với xuất phát điểm này, cả hệ thống phải vào cuộc quyết tâm đồng thuận, đồng bộ ngay bây giờ, từ Trung ương tới địa phương và cơ sở, từ hệ thống chính quyền tới cộng đồng doanh nhân để thực hiện mục tiêu này. Chỉ tiêu chúng ta đặt ra tăng gấp đôi sự phát triển tôm thế giới, tuy nhiên các đối thủ cũng khó để cho chúng ta dễ dàng giành cái bánh thị trường của họ.

Do đó, để đạt mục tiêu, chương trình quốc gia phát triển tôm Việt Nam phải đồng bộ cả 3 khâu căn bản là nuôi, chế biến và tiêu thụ. Cụ thể, khâu nuôi phải bổ sung cơ sở hạ tầng như kênh cấp nước, điện, chủ động con giống, giá thức ăn phải rẻ. Cơ sở chế biến phải được bổ sung kịp thời tương ứng với sự phát triển nuôi và cả vấn đề cơ bản là khâu thị trường. Trong dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia phát triển tôm ít nói tới khâu chế biến và tiêu thụ. Đây là vấn đề cần phải quan tâm để tránh tình trạng tôm nuôi đạt sản lượng, nhưng không tiêu thụ hết hoặc tiêu thụ với giá rẻ, việc thúc đẩy nuôi tôm mất ý nghĩa.

Thời gian qua, để phát triển thị trường tốt hơn, FMC đã tranh thủ các hiệp định song phương và tận dụng ưu đãi thuế quan của Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi đã chuẩn bị chuyển hướng thị trường từ trước để tận dụng thời cơ. Thị phần EU của FMC từ 4,1% năm 2014 sẽ tăng lên 20% năm 2017. Để tránh rắc rối của vụ kiện chống bán phá giá tôm vào Hoa Kỳ, FMC  sẽ giảm thị phần tại đây từ 46,5% năm 2014 xuống còn khoảng 30% năm 2017. Thị phần ở Nhật Bản gần như không thay đổi trong 3 năm qua. Thị phần ở Hàn Quốc tuy còn nhỏ nhưng đây là thị trường tiềm năng nên FMC đang từng bước mở rộng.

Chúng tôi luôn coi việc nâng cao chất lượng sản phẩm là nhiệm vụ hàng đầu song song với việc phát triển xản xuất từng bước vững chắc, tăng doanh số, tăng hiệu quả và từng bước chủ động nguyên liệu sạch thông qua chương trình nuôi tôm quy mô lớn, đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 như Chính phủ đề ra.

Ông LÊ QUỐC CƯỜNG, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin Truyền thông TPHCM:

Xây dựng TP thông minh, nâng chất cuộc sống người dân

Về kết nối dữ liệu giữa các sở ngành cũng như giữa các quận huyện, sở ngành thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, hiện nay Sở TT-TT đang có kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP. Kho dữ liệu này được xây dựng trên cơ sở tích hợp các cơ sở dữ liệu từ các cơ quan nhà nước, cơ sở triển khai các ứng dụng phục vụ công tác khai thác và phân tích thông tin cho các sở ban ngành, quận huyện.

Việc xây dựng kho dữ liệu và hệ sinh thái dữ liệu mở là đề án nhánh, đề án thành phần và cũng là một nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu khi triển khai thực hiện đề án đô thị thông minh. Ngoài ra, khi triển khai xây dựng đô thị thông minh, TP sẽ tập trung thực hiện quy hoạch thông minh, theo đó các quận huyện, sở ngành sẽ triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ cụ thể, bám sát theo một lộ trình, kế hoạch chung của đề án nhằm đảm bảo tính đồng bộ và tổng thể.

Việc triển khai xây dựng TP thông minh sẽ được thực hiện theo lộ trình và kế hoạch cụ thể. Có 10 lĩnh vực then chốt được ưu tiên khi xây dựng đề án gồm: giáo dục, y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, nguồn nhân lực, môi trường...

Thực tế, chúng ta còn đang trong giai đoạn chuẩn bị khảo sát nên chưa thông tin cụ thể. Tuy nhiên, có thể nói tiêu chí chung của TPHCM là tập trung xây dựng chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh để góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời tạo ra các tiện ích phục vụ người dân. Quy hoạch thông minh sẽ giúp dự báo và đề phòng, ngăn ngừa các diễn biến bất lợi có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị TPHCM. Chính quyền điện tử giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tăng tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.      

                                                                       

Ông BEN ANH, CEO CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp):

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Chiếm đến 20% tổng GDP của cả nước, logistics Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ và là 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế. Trong những năm gần đây, song song với các nghị định, chính sách ban hành từ Chính phủ và các cơ quan chức năng, logistics Việt Nam đã được tiếp sức để dần chiếm được thị trường đang ngày càng mở rộng. Đặc biệt là Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động nâng cao nâng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, cùng những chính sách cải cách từ các thủ tục hành chính cởi trói cho doanh nghiệp vể hải quan, thuế, đã giúp các công ty nội địa có thể rút ngắn dần khoảng cách với những đại gia nước ngoài.

Đơn cử trong lĩnh vực vận chuyển - giao nhận xuyên biên giới (Cross Border) phục vụ cho sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT). Những thay đổi về thủ tục hành chính trong quản lý các phương tiện vận tải đường bộ xuyên quốc gia đã giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT mở rộng

Tận dụng cơ hội này, ITL Corp đã kết hợp cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietNam Post) khai thác dịch vụ TMĐT xuyên biên giới. Liên doanh này hướng đến mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới của khu vực. ITL Corp và Vietnam Post sẽ phát huy lợi thế của đôi bên để cung cấp dịch vụ hậu cần đầu cuối xuyên suốt cho khách hàng từ lúc sản phẩm xuất xưởng cho đến tay người dung.

Với mạng lưới bưu chính, viễn thông top đầu của Vietnam Post cùng thế mạnh về  cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics, đặc biệt là mảng hàng không của ITL Corp, liên doanh này hứa hẹn góp phần đẩy nhanh sự phát triển của thị trường TMĐT xuyên biên giới. Có thể khẳng định, với vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam, nếu như thị trường logistics nói riêng và TMĐT xuyên biên giới nói chung được đầu tư mạnh mẽ và đúng hướng thì nó sẽ là đòn bẩy chính cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của thế giới.

Các tin khác