Nhức nhối xà xẻo tài sản công

(ĐTTCO) - Hôm nay 28-5, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, các đại biểu sẽ nghe và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa (CPH) DNNN giai đoạn 2011-2016.
Nhức nhối xà xẻo tài sản công
Cuối tuần trước, Quốc hội cũng đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Tại các chương trình nghị sự này, rất nhiều vấn đề nóng như tham nhũng, lãng phí; chất lượng tăng trưởng; nợ công, bội chi ngân sách được quan tâm.
Đây là những vấn đề trong suốt nhiều năm qua luôn gây nhức nhối và bức xúc trong dư luận xã hội. Vì thế, cử tri, người dân cả nước rất chờ đợi câu chuyện thất thoát, tham nhũng, xà xẻo tài sản công, đất công thời gian qua sẽ được đặt lên nghị trường một cách thẳng thắn, trách nhiệm. 
Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), nhiều tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đang lỗ, âm vốn chủ sở hữu, có nợ phải trả quá hạn hàng trăm tỷ đồng.
Hơn nữa, trong số 201 doanh nghiệp (DN) thuộc 27 TĐ, TCT, công ty được kiểm toán đều phát hiện có sai sót trong việc hạch toán, kê khai nghĩa vụ ngân sách nhà nước (NSNN). Qua kiểm toán, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị tăng thu NSNN 9.400 tỷ đồng và 420.000USD. Năm 2016, qua kiểm toán NSNN tại một số DNNN CPH, KTNN xác định lại giá trị các DN, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Năm 2017, KTNN tiếp tục thực hiện tại 6 DN, kết quả cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng.
Nhìn vào con số nêu trên, nhiều người không khỏi giật mình: Hàng trăm ngàn tỷ đồng thất thoát, sai phạm từ CPH; chi sai chế độ, chỉ định thầu, bán rẻ đất công… đang chảy đi đâu? Định giá sai, hạch toán thuế nhầm, chi sai chế độ, chỉ riêng trong niên độ 2016, KTNN kiến nghị xử lý tài chính với số tiền hơn 91.300 tỷ đồng.
Con số đó đủ để xây hàng trăm bệnh viện, hàng ngàn trường học, song cũng chỉ là phần nổi rất nhỏ. Đặc biệt, nếu so với hàng loạt sai phạm về đất công vừa qua. Những khu đất vàng chỉ định thầu, bán giá bèo, sờ đâu sai đó, thất thoát, chảy máu. 
Hiện nay, khu vực hành chính sự nghiệp có hơn 200.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 2.605 triệu m2, diện tích nhà 142 triệu m2. Đây là nhà đất trong đơn vị hành chính sự nghiệp được sắp xếp lại trong thời gian tới, đó là chưa kể hàng trăm ngàn tỷ đồng tài sản tại DNNN sẽ được CPH. Khối tài sản khổng lồ này sẽ được quản lý, giám sát như thế nào để không còn tình trạng thất thoát, không bị xà xẻo, chảy vào túi những kẻ đục khoét, trục lợi.
Sẽ cần các cuộc kiểm toán, thanh tra phạm vi rộng hơn nữa để làm rõ phần nổi của tảng băng chìm, nhưng trước mắt người dân muốn biết số tài sản đã thất thoát, sai phạm chảy vào túi ai, đã thu hồi được bao nhiêu, người nào phải đền bù, trách nhiệm và chế tài xử lý như thế nào? Và điều này phụ thuộc vào hiệu quả trong công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và CPH DNNN của chính Quốc hội.

Các tin khác