Nhiều rào cản doanh nghiệp phát triển

(ĐTTCO) - Số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hiện có hơn 4.200 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 
Con số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống kê là hơn 5.700 ĐKKD. Dù tiêu chí, con số thống kê ĐKKD của CIEM và VCCI có thể khác nhau nhưng điểm chung dễ nhận thấy là, quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với rất nhiều rào cản.

Các doanh nghiệp làm hồ sơ thuế tại Cục Thuế TPHCM Ảnh: CAO THĂNG

Các doanh nghiệp làm hồ sơ thuế tại Cục Thuế TPHCM.

 Tiêu tốn chi phí không cần thiết 

Đề cập về ĐKKD chưa hợp lý, báo cáo rà soát của VCCI nêu ví dụ về ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. “Nợ” - đối tượng của giao dịch này, bao gồm có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường (các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản khác). Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán… đã được kiểm soát bằng các văn bản pháp luật khác). Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. 
Như vậy, từ tất cả các góc độ (đối tượng, chủ thể, hệ quả), việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, hoàn toàn không có ảnh hưởng nào tới các lợi ích công cộng được liệt kê trong Luật Đầu tư 2014. Hơn nữa, theo pháp luật dân sự hiện hành, “nợ” đang được xem là một loại hàng hóa thông thường, được giao dịch bình thường trên thị trường (những khoản nợ “đặc thù”, “nhiều nguy cơ”, ví dụ như các khoản nợ xấu của các ngân hàng, các tổng công ty nhất định… đã có những văn bản khác điều chỉnh). Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã cung cấp đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.
Một ví dụ khác là quy định phải có phù hiệu, biển hiệu ô tô của các DN kinh doanh vận tải. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, dù không có quy định rõ ra là DN không có phù hiệu, biển hiệu thì không được phép triển khai hoạt động kinh doanh vận tải (dù đã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô) nhưng việc quy định các ô tô kinh doanh vận tải phải được gắn biển hiệu, đồng nghĩa với cách hiểu: biển hiệu, phù hiệu là yêu cầu bắt buộc, nếu DN kinh doanh vận tải muốn sử dụng ô tô để kinh doanh. Như vậy, đây cũng được xem là một loại giấy phép. Quy định này đã tạo gánh nặng về thủ tục hành chính khi phải xin thêm một giấy phép nữa sau khi đã có giấy phép kinh doanh. Theo phản ánh của DN, mặc dù quy định thời hạn hiệu lực của phù hiệu gắn với thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng do phù hiệu thường xuyên bị mờ, nên DN phải nhiều lần đổi, cấp lại phù hiệu, tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, những điểm yếu của hệ thống quy định về ĐKKD đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế: tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới, làm nản lòng các DN đang hoạt động. Sự bất hợp lý của ĐKKD là một trong những lý do chính khiến nhiều DN phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động.
Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về ĐKKD. Lý do là quy định về ĐKKD thường yêu cầu phải có mặt bằng lớn, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định… Không những vậy, các ĐKKD đang làm giảm cạnh tranh thị trường do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo các nhà đầu tư tiềm năng không thể gia nhập thị trường, không tạo ra áp lực cạnh tranh; làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN…
Nguy cơ lách luật
Tại cuộc họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng luật pháp tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bỏ gần 2.000 ĐKKD tại các bộ, ngành được cho là những giấy phép con cản trở DN lâu nay. Theo ông Nguyễn Đình Cung, để bãi bỏ các ĐKKD không phù hợp, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Nghị định Về tiêu chuẩn, quy trình ban hành ĐKKD. Những quy định về ĐKKD chỉ liên quan đến an toàn tính mạng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường… Còn lại, phải cụ thể hoá những quy định mang tính chất kinh tế như: yêu cầu thiết bị, địa điểm, nhân lực, năng lực sản xuất, nhân sự… không liên quan thì bãi bỏ. 
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trên cơ sở rà soát 243 danh mục nghề kinh doanh có điều kiện, VCCI cũng phát hiện ra một số ngành nghề có thể thay ĐKKD bằng biện pháp khác; một số ngành nghề không có đặc thù quản lý hoặc có phạm vi quản lý quá mức cần thiết; một số ngành không rõ có phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh hay không. Do đó, trong thời gian tới, việc rà soát cần tiếp tục vì trên thực tế, nhiều ĐKKD không chỉ nằm ở thông tư mà còn ở nghị định và luật. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cũng nhìn nhận, dù đã giới hạn được các ngành nghề bị cấm và hạn chế kinh doanh về con số 243, song kinh doanh có điều kiện và ĐKKD biến thiên hàng ngày, hàng giờ mà việc cập nhật, thống kê không thể chính xác.
Trao đổi với Báo SGGP, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng ngoài các nhóm ĐKKD hiện nay, vẫn còn ít nhất 4 nhóm quy định có thể quy về thực chất tương tự với ĐKKD như: yêu cầu về quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hành chính. Ví dụ, quy hoạch thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công thương đã đưa ra các tiêu chí quá cao, dẫn đến tình trạng loại bỏ đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hay việc quy định quy chuẩn kỹ thuật quá cao, dẫn đến không thể thực hiện được, hay quá cụ thể, chi tiết, can thiệp vào giải pháp, quyền chủ động kinh doanh. “Nguy cơ lớn nhất là lách ĐKKD. Theo quy định của luật và nghị định ĐKKD thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Chính phủ; quy chuẩn chất lượng theo quy định của thông tư thuộc thẩm quyền của bộ. Nếu điều này không được ngăn chặn, quyền kinh doanh của DN vẫn bị cản trở”, ông Trương Thanh Đức nói.

Các tin khác