Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm hội nhập

(ĐTTCO) - Theo như kỳ vọng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU sẽ được ký vào cuối năm nay và dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Song cũng như nhiều FTA Việt Nam đã ký câu hỏi lớn đặt ra là khả năng khai thác của các DN như thế nào. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM BÌNH AN (ảnh), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM. 

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể phân tích những cơ hội DN Việt Nam sẽ được hưởng khi FTA Việt Nam - EU được ký kết?
Ông PHẠM BÌNH AN: - Trước hết phải khẳng định Liên minh châu Âu (EU) những quốc gia có trình độ phát triển cao, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, chính vì thế trong “cuộc chơi” này Việt Nam phải chấp nhận chơi với chuẩn cao. Hiệp định này không chỉ vấn đề thương mại, mà bao trùm rất rộng về lâu dài sẽ tác động cả thể chế, kinh tế nhằm hướng tới một nền thương mại văn minh.
Khi hiệp định được ký kết, dễ thấy ngay Việt Nam có mấy lợi thế khi xuất hàng sang EU: Thứ nhất hàng hóa xuất khẩu của EU vào Việt Nam có tính bổ sung cao. Thứ hai Việt Nam hiện xuất siêu sang EU rất lớn, theo số liệu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua khu vực này 41 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 14,5 tỷ USD. Như vậy khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, DN xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn. Theo như cam kết trong vòng 7 năm EU sẽ đưa hầu hết các dòng thuế về 0%. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 4-6%/năm trong 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. 
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm hội nhập ảnh 1
Song đó là lợi ích trên lý thuyết, còn thực tế hiện nay trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, khu vực FDI đang chiếm đến 71-72%, họ lại có chuỗi cung ứng khá hoàn thiện chính vì thế đây sẽ là khối DN được hưởng lợi nhiều nhất. Còn các DN Việt Nam với tỷ lệ còn lại khoảng 28% cũng chưa phải đã được hưởng hết lợi ích. Vì thông thường DN Việt làm gia công, sau đó bán cho các người mua quốc tế. Như vậy phần “ngon nhất”, hấp dẫn nhất của hội nhập DN nước ngoài đang hưởng, DN trong nước được không bao nhiêu. 
- Việc chưa khai thác được lợi thế từ FTA dường như là câu chuyện không mới của các DN Việt Nam, vì trong các FTA Việt Nam đã ký và có hiệu lực thì tỷ lệ tận dụng của DN trong nước còn rất hạn chế?
- Báo cáo xuất khẩu năm 2017 của Bộ Công Thương cũng chỉ ra rất rõ, trong tổng số hàng hóa xuất đi có C/O ưu đãi Việt Nam mới chỉ tận dụng được 34%. Lý do rất nhiều, nhưng việc DN không có đủ thông tin cũng là vấn đề đáng quan ngại. Thực tế việc cung cấp thông tin không biết thế nào là đủ, DN cũng không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan nhà nước mà phải chủ động tìm hiểu, thậm chí với những thông tin giá trị phải chấp nhận mất kinh phí. Đó cũng nên được xem là một dạng đầu tư.
Đã có những câu hỏi đặt ra làm sao để DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội trong hội nhập. Đây thực sự là một câu hỏi lớn, bởi muốn tận dụng phải có sự kết hợp giữa Nhà nước (bao gồm đoàn đàm phán, các bộ ngành) và DN thông qua các hội/hiệp hội. Song hiện nay đang có một khoảng trống khá lớn, từ nội dung đàm phán đến khả năng thụ hưởng lợi ích của DN. Đã vậy phần đông các DN còn chưa quan tâm đến những vấn đề của hội nhập cũng như các FTA. 
Ngay tại Trung tâm WTO trước đây và Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế hiện nay, thường chỉ có những DN lớn đặt ra các yêu cầu, mong mỏi việc cung cấp thông tin hội nhập, còn các DN nhỏ phần nhiều chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Ngay khi các báo cáo viên của chúng tôi xuống các quận huyện trình bày các nội dung liên quan đến hội nhập, nói chuyện cụ thể về thuế suất từng ngành hàng, các DN nhỏ vẫn cảm thấy đó chưa phải là chuyện của mình. Có vẻ như nhiều DN vẫn chưa nhận thức rõ rằng hội nhập đã và sẽ tác động trực tiếp đến từng DN. 
- Bên cạnh những cái được chúng ta sẽ phải chấp nhận mặt trái của hội nhập, nhất là kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mà độ mở lại quá lớn. Ông có thể nói thêm về điều này? 
- Xét về độ mở của kinh tế trong khu vực gần như Việt Nam chỉ thua Singapore, chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do có chất lượng. Song do nền kinh tế Việt Nam còn thua nhiều nước, nên còn có độ vênh nhất định giữa kỳ vọng của Chính phủ khi đàm phán với khả năng đáp ứng của DN. Dễ thấy với nhiều hiệp định DN còn chưa đáp ứng để hưởng lợi như mong muốn, và hiển nhiên DN cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn, cũng như cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN “giữ nếp” kêu ca. Rõ ràng nếu không chịu thay đổi tư duy và hành động có thể sẽ phải rời cuộc chơi. Theo tôi, ở khía cạnh nào đó sàng lọc trong hội nhập là cần thiết. Hội nhập sâu rộng đang mở ra cánh cửa lớn, mà ở đó DN phải nhìn thấy sự chuyển động nhanh, mạnh của kinh tế khu vực và thế giới, để buộc mình phải thay đổi, đồng thời phải có sự liên kết lẫn nhau. 
- Khi các FTA được ký kết cũng là lúc hàng rào thuế quan bị xóa bỏ dần, nhưng hàng rào phi thuế quan lại mọc lên nhanh chóng. Vậy theo ông các DN nên có những chuẩn bị như thế nào? 
- Đúng là trong xu hướng thương mại hiện nay, thuế quan đang giảm dần nhưng các hàng rào phi thuế quan lại ngày càng tinh vi hơn. Trong các FTA luôn khẳng định có sự đơn giản hóa, minh bạch hóa các hàng rào phi thuế quan, nhưng thực tế thì các nước nhất là các nước có trình độ phát triển cao, luôn đặt ra các tiêu chí hết sức khắt khe với hàng hóa nhập khẩu.
Điều này đòi hỏi các DN phải nắm thông tin rất rõ mới tránh được các rào cản này. Bên cạnh việc dựng rào cản phi thuế quan thì các nước còn đẩy mạnh xu hướng phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Để đối phó với vấn đề này, DN cần có sự trợ lực của các cơ quan chức năng cụ thể là Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng để có thông tin về hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường, cũng như có những giải pháp ứng phó kịp thời khi có bất cứ vụ việc nào xảy ra.

 Phải nhìn nhận rằng mục đích của các FTA không chỉ là để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới nhiều hơn, mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề của nền kinh tế, nhằm thay đổi tư duy và cả nền sản xuất nhằm hướng đến một nền thương mại văn minh hơn cho Việt Nam. 

Các tin khác