Nguồn lực chưa chảy vào chỗ hiệu quả nhất

(ĐTTCO) - Tại Diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh không có cạnh tranh, nguồn lực sẽ không đến được chỗ hiệu quả nhất mà tạo “sân trước, sân sau”, hệ quả nền kinh tế kém năng lực cạnh tranh.
 Điển hình là nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội tại khu vực DNNN nhiều năm qua không phát huy được hiệu quả, tạo sự lãng phí lớn.
DNNN thiếu cạnh tranh
Hiện nay khu vực DNNN đang sở hữu khối tài sản khoảng 7,9 triệu tỷ đồng, tương đương 365 tỷ USD, bằng 188% GDP và bằng 33,32% tổng tài sản toàn bộ khu vực DN (chỉ tính những DNNN sở hữu trên 50% vốn). So với các nước trên thế giới, tổng tài sản DNNN tại Việt Nam lớn hơn tổng tài sản DNNN tại 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong khi quy mô nền kinh tế nhỏ hơn rất nhiều. Tổng tài sản DNNN tại các nước OECD thường dưới 100 tỷ USD.
 Quá trình tái cơ cấu DNNN chưa góp phần làm giảm đáng kể vai trò trực tiếp kinh doanh của Nhà nước. Giá trị vốn nhà nước thu về từ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn nhà nước đầu tư tại các DN. Do vậy chưa đạt mục tiêu phân bổ lại nguồn lực của kinh tế nhà nước nói riêng, của nền kinh tế nói chung.
PGS. TS Hồ Sỹ Hùng, 
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT)
Dù sở hữu một nguồn lực cực lớn như vậy nhưng động cơ tìm kiếm lợi nhuận thông qua cạnh tranh lại chưa phải là mục tiêu ưu tiên của DNNN, vì vậy khối tài sản này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong rất nhiều trường hợp, DNNN thiếu động cơ, động lực tìm kiếm lợi nhuận nhưng thường được biện hộ vào trách nhiệm chính trị xã hội. Điều này làm giảm hiệu ứng của cạnh tranh, kéo theo hệ quả của sự can thiệp hoặc trợ cấp trực tiếp cho DN. Thời gian qua nhiều tập đoàn nhà nước đã rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, gây thất thoát một lượng lớn nguồn lực nhà nước như PVN, Vinachem, Vinashin, Vinalines…
Bình luận về thực trạng nguồn lực không phân bổ đúng chỗ, chuyên gia kinh tế Đoàn Tử Tích Phước, cho rằng các DNNN phải có động lực cạnh tranh với nhau, đó là mục tiêu cổ phần hóa DNNN. Nhìn chung đến nay các DNNN vẫn chưa có động lực để cạnh tranh và chừng nào các DN còn có ông chủ chung là Nhà nước, dù nắm 51%, hay 100% số vốn, hoạt động cạnh tranh giữa các DN này giống như “lấy tay phải đánh vào tay trái” và chắc chắn sự cạnh tranh giữa các DN này sẽ không diễn ra.
Điển hình là thị trường viễn thông có 3 DNNN là Viettel, MobiFone, VinaPhone, khi có vấn đề gì nảy sinh liên quan đến cạnh tranh trên thị trường đều tìm đến bộ chủ quản, đến Thủ tướng để xin ý kiến, không sử dụng công cụ của pháp luật cạnh tranh để giải quyết vấn đề. Thực tế này cho thấy nguồn lực đang bị lãng phí vì thiếu động lực cạnh tranh, mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận ở khu vực DNNN.
Nguồn lực chưa chảy vào chỗ hiệu quả nhất ảnh 1 Dự án đạm Hà Bắc (thuộc Vinachem) 2 năm thua lỗ 1.700 tỷ đồng. 
Vòng luẩn quẩn
Việc thiếu vắng chính sách cạnh tranh phù hợp đã để lại những hậu quả nặng nề. Cụ thể là vụ việc tại Oceanbank. Từ năm 2006-2007 Nhà nước chủ trương mở cửa thị trường và cho phép nhiều ngân hàng được thành lập. Tại thời điểm này có khoảng hơn 40 ngân hàng được thành lập mới và nâng cấp từ các ngân hàng nông nghiệp.
Bên cạnh đó có khoảng 50 chi nhánh ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài được cấp phép hoạt động trên thị trường. Việc cho phép quá nhiều “người chơi” xuất hiện cùng lúc trên thị trường trong khi không có sự điều tiết, với một lộ trình thích hợp trong khuôn khổ chính sách cạnh tranh, đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. 
Các ngân hàng khi đó cạnh tranh bằng tăng lãi suất để thu hút khách hàng, thu hút nguồn vốn, đã dẫn đến cuộc đua lãi suất, gây lạm phát, gây mất ổn định thị trường tài chính tiền tệ, khiến NHNN phải can thiệp.
Đỉnh điểm là năm 2011 vấn đề chạy đua lãi suất trở lên trầm trọng, buộc NHNN phải can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính cứng nhắc là ban hành thông tư ấn định lãi suất trần huy động vốn, không tổ chức tài chính nào được vượt trần. 
Khi hệ thống ngân hàng bị khống chế trần lãi huy động, lãi đồng mức, tất yếu khách hàng chỉ tin tưởng gửi tiền tại các ngân hàng lớn, có uy tín, để bảo đảm nguồn tiền. Việc áp lãi trần đã hạn chế khả năng cạnh tranh của ngân hàng nhỏ, và khi khả năng cạnh tranh của ngân hàng nhỏ bị triệt tiêu họ sẽ lách luật để huy động vốn.
Một số ngân hàng nhỏ, trong đó có Oceanbank tiến hành chi lãi suất ngoài sổ sách, lãi suất đi đêm, dẫn đến sự đổ vỡ. Cuối cùng NHNN mua lại Oceanbank để giao cho VietinBank quản lý. Nhà nước đứng ra dùng uy tín của mình để bảo lãnh cho một “người chơi” thất bại trên thị trường.
Và Oceanbank lại trở thành một người chơi đủ năng lực trên thị trường, cho thấy một vòng luẩn quẩn và thiếu định hướng của chính sách cạnh tranh thời gian qua. Nếu không thay đổi chính sách cạnh tranh những vụ việc tương tự sẽ không được giải quyết triệt để.

Các tin khác