Ngành xây dựng loay hoay thoái vốn

(ĐTTCO) - Đến nay chỉ có 4 trong 16 tổng công ty (TCT) trực thuộc Bộ Xây dựng có tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước dưới 50%, hầu hết các TCT còn lại có tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước từ 80-100%. 
Những con số này cho thấy quá trình cổ phần hóa (CPH) DN ngành xây dựng những năm qua rất ì ạch.
CPH quá chậm

 Tình hình kinh doanh bết bát và việc xác định làm rõ giá trị DN gắn với tài sản đất đai đang làm chậm tiến trình IPO của nhiều TCT trong ngành xây dựng. Hầu hết DN trong ngành xây dựng đang sở hữu nhiều tài sản đất đai, nhà xưởng tại các đô thị, nên quá trình CPH nếu không được tính toán kỹ, xác định đúng giá trị thực của đất đai sẽ dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước.
Trong giai đoạn 2017-2020, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu giảm mạnh tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại DN, thoái vốn nhà nước tại các TCT theo lộ trình 2 mức về 0%, và về 51%, sau đó chuyển giao vốn nhà nước về SCIC. Cụ thể, nhóm 1 sẽ giữ nguyên tỷ lệ 40,71% vốn nhà nước tại LICOGI và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này về SCIC trong quý I-2017.
Nhóm 2 gồm 10 TCT sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%. Đó là các TCT Vật liệu xây dựng số 1-FICO (40% vốn nhà nước), TCT Xây dựng số 1 (vốn nhà nước 40%), TCT Sông Hồng (vốn nhà nước 73%), TCT Đầu tư và Phát triển xây dựng-DIC (vốn nhà nước 49,65%), TCT Xây dựng Hà Nội (vốn nhà nước 98,8%), TCT Xây dựng Bạch Đằng (vốn nhà nước 94,6%), TCT Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (vốn nhà nước 98,16%), TCT Tư vấn xây dựng Việt Nam (vốn nhà nước 87,32%), TCT Cơ khí xây dựng (vốn nhà nước 98,76%) và TCT Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (vốn nhà nước 100%).

Theo lộ trình tái cơ cấu DNNN ngành xây dựng, nhóm thứ 3 sẽ thực hiện bán bớt vốn nhà nước tại 5 TCT lớn trong giai đoạn từ 2017-2019. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nắm giữ 51% vốn nhà nước cho đến hết năm 2019 tại TCT Sông Đà (vốn nhà nước 100%), TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam (vốn nhà nước 100%), TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị-HUD (vốn nhà nước 100%), TCT Lắp máy Việt Nam (vốn nhà nước 97,88%) và TCT Viglacera (vốn nhà nước 56,67%).
Tính đến thời điểm hiện tại còn khoảng 4 TCT 100% vốn nhà nước thuộc ngành Xây dựng, trong đó TCT Sông Đà và TCT Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt phương án CPH hồi tháng 6 năm nay; TCT Đầu tư phát triển Nhà và đô thị đang trình Thủ tướng phê duyệt phương án CPH; TCT Công nghiệp xi măng Việt Nam đang xác định giá trị doanh nghiệp để CPH.
Ngành xây dựng loay hoay thoái vốn ảnh 1
Thoái vốn khó khăn
Thực tế, quá trình cổ phần hóa tại các TCT ngành xây dựng thời gian qua gặp nhiều khó khăn khi một số DN rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ nhiều năm liền và âm vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn, tại TCT Sông Hồng, doanh thu năm 2016 đạt trên 564 tỷ đồng, nhưng chi phí cùng kỳ lên tới 723 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận trước thuế của TCT Sông Hồng âm khoảng 170 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của TCT này theo số liệu của Bộ Tài Chính vào cuối năm 2016 khoảng 389 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 63 tỷ đồng, nợ ngắn hạn khoảng 895 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định TCT Sông Hồng mất cân đối về tài chính, vì vậy đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại TCT Sông Hồng có giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh, kiểm soát chi phí và giảm lỗ tối đa. Mặt khác, 28 công ty con, công ty liên kết mà TCT góp vốn đầu tư với số tiền khoảng 205 tỷ đồng có lợi nhuận rất thấp, tỷ suất sinh lời chỉ đạt 0,42%, điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra ngoài của TCT không hiệu quả.

Một ông lớn khác của ngành Xây dựng sẽ CPH trong thời gian tới cũng có số nợ phải trả vào thời điểm tháng 12-2016 khoảng 12.360 tỷ đồng là TCT Sông Đà. Đáng lưu ý, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của TCT Sông Đà khoảng 4,62 lần, trong đó nợ phải trả ngắn hạn khoảng 6.715 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn 5.645 tỷ đồng. Trong khi đó, số nợ phải thu của TCT khoảng 8.968 tỷ đồng, riêng công nợ phải thu từ
3 DN là CTCP Xi măng Hạ Long, CTCP Điện Việt Lào, CTCP Thủy điện Nậm Chiến lên tới 6.733 tỷ đồng, chiếm 75% tổng nợ phải thu. Tổng tài sản của DN được xác định khoảng 15.032 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của TCT trong năm 2016 chỉ đạt khoảng 112 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) chỉ đạt 0,75%. 

Giá trị khó xác định 

Dù không gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng quá trình CPH TCT HUD thời gian qua lại gặp nhiều khó khăn trong việc xác định và làm rõ giá trị DN trước thời điểm IPO. Nguyên nhân chậm CPH HUD theo Bộ Xây dựng do HUD đang quản lý và sử dụng khối tài sản lớn, nhất là diện tích đất các dự án bất động sản tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong việc xác định, thẩm định giá trị tài sản, giá trị DN của HUD. Đồng thời, đề đảm bảo nguyên tắc thận trọng đối với việc xác định giá trị DN và bán cổ phần lần đầu đối với DN có quy mô tài sản, tiền vốn, đặc biệt là nguồn lực đất đai tại 43 dự án bất động sản do HUD quản lý, đầu tư, khai thác, Bộ Tài chính kiến nghị HUD rà soát lại toàn bộ chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên đất đã đầu tư.

Cũng liên quan đến việc xác định giá trị DN của HUD trước thời điểm IPO, Bộ Tài chính không đồng tình với việc đề xuất cho HUD giữ lại khoản tiền 3.797 tỷ đồng. Khoản tiền này được HUD giải thích là khoản chi phí trích trước chi đầu tư kết cấu hạ tầng cho 17 dự án kinh doanh bất động sản. Nhưng Bộ Tài chính cho rằng về nguyên tắc, việc trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng phải tương ứng với doanh thu và diện tích đất đã đầu tư của dự án.
Đối với những dự án đã hoàn thành, đã bàn giao cho địa phương đồng nghĩa với việc HUD không phải tiếp tục đầu tư hạ tầng các dự án nữa. Vì vậy, HUD phải thực hiện hoàn nhập theo quy định khoản tiền này, và không được giữ lại. Nếu số tiền hàng ngàn tỷ đồng này được hoàn nhập, trong phương án CPH HUD thời gian tới buộc phải xác định lại giá trị DN.

Các tin khác