Ngành hàng cá tra một năm chiến thắng

(ĐTTCO) - Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vào ngày 18-2, tại hội nghị tổng kết xuất khẩu cá tra năm 2018 và triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019, diễn ra ở TP Long Xuyên (An Giang).  
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh An Giang thăm vùng nuôi cá tra chất lượng cao của Công ty CP Nam Việt.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh An Giang thăm vùng nuôi cá tra chất lượng cao của Công ty CP Nam Việt.
Theo Bộ NN-PTNT, 2018 là năm các ngành chức năng rất quan tâm đối với lĩnh vực cá tra. Phía Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các tỉnh ĐBSCL tổ chức nhiều hội nghị về phát triển ngành hàng cá tra. Cũng trong năm qua chứng kiến sự gia tăng đáng kể về diện tích ương dưỡng giống, với 8.552 ha, tăng 21% so cùng kỳ. Đối với diện tích nuôi cá tra thương phẩm khoảng 5.400 ha, tăng 3,25% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch hơn 1,42 triệu tấn (tăng 13,6%). 
Năm 2018, giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân của năm 2017 là 4.000 đồng/kg; riêng thời điểm tháng 10-2018 giá cá tra lên đỉnh điểm với 35.000-36.000 đồng/kg. Nhờ giá duy trì mức cao đã đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2018 đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5%. Năm 2019 này, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ phấn đấu nuôi cá tra đạt sản lượng 1,51 triệu tấn (tăng 6,6%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD (tăng 12%). 
Lãnh đạo CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI cho rằng, trong năm qua việc sản xuất và xuất khẩu cá tra của IDI tăng mạnh. Tổng nguyên liệu sản xuất đạt gần 86.000 tấn, tăng gần 20%, kim ngạch xuất khẩu 127 triệu USD, tăng 27%; công ty đã đưa sản phẩm đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Với chiều hướng thuận lợi hiện nay, công ty IDI lên kế hoạch xây dựng thêm nhà máy số 3 với công suất 200 tấn nguyên liệu/ngày. 
“Ngành cá tra đã hình thành và phát triển khoảng 20 năm. Hiện cá tra là sản phẩm được đưa vào nhóm xuất khẩu chủ lực, thu về ngoại tệ lớn. Do đó, để phát triển bền vững cần đầu tư mạnh về con giống; có chính sách hỗ trợ vốn, giảm thuế cho doanh nghiệp khi đầu tư giống; quản lý chặt các cơ sở sản xuất cá bột…” - lãnh đạo Công ty IDI đề xuất. 
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) bộc bạch: “Sự thành công của cá tra trong năm qua đánh dấu việc vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, doanh nghiệp, người nuôi… Với sự thuận lợi này, tới đây cần phát huy hơn nữa. Chú trọng việc đầu tư vào chiều sâu, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, bám sát diễn biến thị trường; không ngừng nâng cao chất lượng cá tra nhằm đáp ứng những thị trường khó tính”. 
Ngành hàng cá tra một năm chiến thắng ảnh 1 Bộ trưởng Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm nhà máy thức ăn của Tập đoàn Sao Mai. 
TS. Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam lưu ý: “Thị trường cá tra thế giới được chia làm nhiều khu vực khác nhau như: Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu, châu Á… Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn như chất lượng con giống kém, tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả sản xuất thấp…
Trên thế giới, nhiều nước đang tăng sản lượng nuôi cá tra như: Ấn Độ dự kiến tăng sản lượng từ 550.000 tấn năm 2017 lên 625.000 tấn năm 2019; Bangladesh có thể tăng từ 554.256 tấn năm 2017 lên 749.746 tấn năm 2019; Indonesia cũng dự báo tăng sản lượng cá tra; trong khi Trung Quốc cũng tăng cường nuôi cá tra… Cần thấy rằng, việc các nước nuôi cá vừa là áp lực vừa là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào nghề cá nhằm tăng sức cạnh tranh. Có cạnh tranh ngành cá tra của ta mới lớn mạnh được. Chúng ta có ưu thế là các doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm, lợi thế về vùng nuôi, tay nghề…”. 
Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc CTCP Nam Việt (An Giang),  giai đoạn từ năm 2000-2016 ngành cá tra trải qua những khó khăn. Một trong những nguyên nhân là cung vượt cầu, cạnh tranh nội bộ… khiến giá xuất khẩu giảm. Từ năm 2017, ngành cá tra dần lấy lại phong độ và phát triển mạnh trong năm 2018 qua.
Dự báo 2019 cá tra vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, ở đó người nuôi và doanh nghiệp được lợi. Riêng con giống vẫn khó khăn, không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là giống chất lượng. Hiện tại, Nam Việt đang đầu tư vào chiều sâu từ vùng nuôi chất lượng, sản xuất giống cá tra 3 cấp… nhằm phát triển bền vững ngành cá tra.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành hàng cá tra đang phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh; trong khi việc kinh doanh từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm đều hiệu quả. Thời gian qua, việc quản lý cá tra khá đồng bộ trên các mặt. Đặc biệt, từ người nuôi đến doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp xuất khẩu… ai tham gia vào ngành hàng cá tra “đều cùng cười”.
Dù đang thành công lớn nhưng chúng ta không ngủ quên trong chiến thắng, bởi sau 3 năm tăng trưởng của cá tra, nguy cơ bùng nỗ diện tích, dịch bệnh trên cá tra là rất lớn, cần đề phòng ngay từ bây giờ. Giải pháp lúc này là không nuôi tự phát tràn lan; cần đẩy mạnh liên kết để siết chặt kiểm soát, quản lý… Tập trung ứng dụng những công nghệ mới nhất vào ngành hàng cá tra trên các mặt; trong đó giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra…

Các tin khác