Ngành cơ khí cần hỗ trợ thực chất

(ĐTTCO) - Sáng qua 18-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi gặp, lắng nghe ý kiến, chia sẻ những khó khăn vướng mắc của các DN trong ngành cơ khí - điện. 

Nhiều nỗi niềm
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, nói cuộc cạnh tranh giữa DN Việt Nam với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là “không cùng sân chơi”.
Theo ông Tống, việc Samsung cho rằng DN Việt không đáp ứng được yêu cầu là không chính xác. Ngành cơ khí có những DN như Duy Khanh, Lập Phúc… có thể vượt qua những DN vệ tinh của tập đoàn này về chất lượng sản phẩm, nhưng Samsung chỉ tìm đến những DN chưa thực sự đủ năng lực, từ đó tự khái quát bức tranh chung rồi đưa DN vệ tinh vào Viêt Nam.
Đó là chưa kể các DN FDI khi vào đầu tư vào Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi hơn các DN nội. “Các DN tìm mặt bằng để đầu tư rất khó khăn, do chính quyền nhiều tỉnh thành ưu tiên đất đai cho DN FDI” - ông Tống bày tỏ. 
 Ngành cơ khí chế tạo là trái tim của các ngành công nghiệp vì đây là ngành chế tạo phụ tùng, máy móc, thiết bị, khuôn mẫu để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa khác. Chính vì thế rất cần có chính sách hỗ trợ thực chất từ địa phương đến Nhà nước. 
Ông Đỗ Phước Tống
Bên cạnh bức xúc về việc cạnh tranh chưa bình đẳng giữa khối DN nội và DN FDI, nhiều DN cũng bày tỏ những khó khăn trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng giám đốc Công ty Lidovit cho biết, DN cơ khí đang phải đối mặt việc thiếu nhân lực trầm trọng, tuyển rất khó, nhưng tuyển xong, đào tạo xong lại dịch chuyển qua khu vực FDI. Rồi để đầu tư phải có mặt bằng trong khi quỹ đất của TP hiện nay hạn chế, giá thuê cao. Cùng với đó là đầu ra cho sản phẩm cũng rất cam go. 
Nhiều DN đề nghị để phát triển ngành CNHT, Nhà nước cần hạn chế cho DN FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi thực tế các DN FDI đầu tư vào CNHT thường là DN nhỏ, đầu tư không nhiều và không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, chỉ làm hạn chế sự phát triển của các DN CNHT Việt Nam. Ngoài ra, có ý kiến đề xuất lãnh đạo TPHCM khi đàm phán cần có ràng buộc nhà đầu tư phải sử dụng tỷ lệ nhất định sản phẩm dịch vụ do DN 100% vốn Việt Nam sản xuất.
Ngay với gói kích cầu đầu tư nhằm trợ lực DN CNHT phát triển của TP (DN được hỗ trợ lãi vay đến 200 tỷ đồng), dù được đánh giá là bước đột phá riêng của TPHCM, nhưng các DN cũng cho rằng còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đơn cử, việc DN điều chỉnh danh mục thiết bị đầu tư cũng không đơn giản, mất khá nhiều thời gian. DN mong lãnh đạo TP cho sửa nội dung để DN thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư. Ngoài ra còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, chính sách thuế… cũng được các DN bày tỏ với người đứng đầu TP. 
Ngành cơ khí cần hỗ trợ thực chất ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với lãnh đạo các DN cơ khí. 
Từng bước gỡ khó
Lắng nghe các chia sẻ của DN, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh chính quyền TP luôn lắng nghe những ý kiến của DN. Việc nào trong thẩm quyền có thể giải quyết ngay cho DN, những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ trình Trung ương giải quyết thỏa đáng.
Với khó khăn về đất đai như thiếu quỹ đất, giá thuê đất còn cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, ông Phong cho biết TP đang thực hiện kế hoạch tăng diện tích đất dành cho công nghiệp. Sắp tới từ 18 khu công nghiệp sẽ tăng lên con số 23. Đặc biệt những khu công nghiệp mới sẽ hạn chế thu hút những ngành thâm dụng lao động, nhường chỗ cho những ngành ứng dụng khoa học công nghệ. Chủ tịch TP gợi ý các DN trong ngành cơ khí điện muốn có một khu công nghiệp cho ngành mình, diện tích bao nhiêu… lên phương án cụ thể trình TP. 
"Về vướng mắc vốn vay theo Quyết định 15, DN thấy khó, thì đề xuất để các sở ngành TP xem xét chỉnh sửa. Riêng về vấn đề công nghệ, TP đã quyết định sẽ dành 2% trong tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ. Đây không phải con số nhỏ. Tuy nhiên, về công nghệ không chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, mà vai trò của DN cũng rất quan trọng.
Muốn khẳng định thương hiệu, muốn cạnh tranh DN phải đầu tư công nghệ, phải đổi mới sáng tạo. Tôi mong mỏi các DN vì sự phát triển bền vững phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đồng thời đẩy mạnh liên kết" - ông Phong nhấn mạnh.

Các tin khác