Nâng chất FDI

(ĐTTCO)-Bàn đến chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, một số ý kiến cho rằng cần “đem các liên doanh quay lại”. Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân lũy kế khoảng 181 tỷ USD.
Nâng chất FDI
Tính theo tỷ lệ % GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN. Dòng vốn FDI tại Việt Nam đã góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ… song tác động lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển mô hình liên doanh được coi là một giải pháp quan trọng để củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tăng cường tác động lan tỏa tích cực từ khối ngoại.
Mô hình liên doanh đã từng rất phát triển trong thời kỳ đầu, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa thu hút FDI (dù pháp luật Việt Nam vẫn cho phép hình thức 100% vốn nước ngoài), bởi hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam khi ấy còn bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, càng về sau này, phần lớn các dự án FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đều lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài. Lũy kế đến nay Việt Nam có 25.953 dự án FDI còn hiệu lực, song trong số này chỉ có 3.873 dự án liên doanh, với tổng vốn đăng ký trên 74 tỷ USD, chiếm 22,3% về số vốn, nhưng lại chỉ chiếm chưa đến 15% về số dự án. 
Theo chuyên gia kỳ cựu về đầu tư nước ngoài, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, hình thức liên doanh sẽ có tác động lan tỏa từ doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Trên thực tế, ở những năm đầu thu hút FDI, một số cuộc hôn nhân giữa các doanh nghiệp ngoại - nội đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Nguồn lực tài chính còn mỏng, kinh nghiệm làm ăn quốc tế chưa nhiều; hầu hết đối tác liên doanh trong nước đều góp vốn bằng đất. Nhiều trường hợp, sau một thời gian liên doanh, kinh doanh thua lỗ thì đối tác Việt Nam bỏ cuộc, để đối tác nước ngoài nắm trọn dự án.
Giờ đây, hoạt động liên doanh đã có sự thuận lợi hơn đáng kể. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những tên tuổi lớn như Vingroup, BRG, TH…, đủ sức bắt tay khá bình đẳng, cân sức cân tài với doanh nghiệp ngoại.
Sự bùng nổ của hình thức đầu tư mua bán - sáp nhập (M&A) cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng và dễ dàng liên doanh với các doanh nghiệp trong nước để bổ sung nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị tiên tiến, chuyển giao công nghệ và - dĩ nhiên - cùng tận hưởng lợi nhuận.
Đáng mừng là trong một vài năm gần đây, xu hướng liên doanh dường như cũng đang trở lại. Từ đầu năm tới nay, đã có 98 công ty liên doanh được cấp chứng nhận đầu tư. Con số này của cả năm 2017 là 140, năm 2016 là 315, còn của 2 năm 2013 - 2014 là 544. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng lưu ý, nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều khả năng, tháng 10 tới, dự án thành phố thông minh, quy mô vốn đầu tư lên tới hơn 4,1 tỷ USD, sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện. Dự án này do liên doanh BRG và Sumitomo phát triển.
Trước mắt, giai đoạn 1 có quy mô hơn 73ha, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Trong tháng 6, Công ty AAPICO Hitech (Thái Lan) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập một liên doanh dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST (Việt Nam). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, trong đó AAPICO nắm 51% vốn, VINFAST nắm 49%...
Có thể coi đây là những tín hiệu ban đầu tích cực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “nâng chất” FDI.

Các tin khác