Muốn tránh giải cứu phải đi chính ngạch

(ĐTTCO) - Hơn một tuần qua, câu chuyện thanh long được mùa nhưng rớt giá nghiêm trọng đang thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước, DN, người dân. Khá nhiều siêu thị đã tham gia vào công cuộc giải cứu thanh long để người dân có thể bớt đi phần nào thiệt hại do giá đang giảm quá sâu. 
Muốn tránh giải cứu phải đi chính ngạch
Thế nhưng, điều được nhiều người quan tâm và muốn biết thông tin chính là vì sao lại có chuyện rớt giá thảm này. Trước những tin đồn Trung Quốc ngưng thu mua thanh long của Việt Nam, phía Bộ NN&PTNT cho biết tại các cửa khẩu giao dịch thanh long giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra. Tuy nhiên, từ ngày 1-10, phía Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ lớn, giao thương chậm lại, giảm nhập khẩu nên hàng ứ đọng, liên tục rớt giá. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Hiện nay Trung Quốc đang có ý định mở rộng diện tích trồng thanh long, chủ yếu ở đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Tây, hiện đã đạt 20.000 ha. Nhưng chúng ta không quá lo ngại về điều này. Trong giai đoạn hội nhập, thế giới không cấm được điều gì, nhưng chúng ta phải sản xuất theo những lợi thế thiên nhiên ban tặng. Rõ ràng Trung Quốc không thể có cái nắng đặc trưng của Bình Thuận, không có cát giúp thanh long ngọt hơn. Nhưng có một điều chúng ta phải thay đổi, đó là phải phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch đàng hoàng, hạn chế và dần dần xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch. 
Lâu nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Thế nhưng do phần lớn đi đường tiểu ngạch, nên chúng ta thường phải đứng trước nhiều rủi ro về giá, thanh toán…Thực ra nhiều DN xuất khẩu nông sản cũng muốn đưa hàng theo đường chính ngạch để bán được giá hơn, an toàn hơn. Song ở mặt hàng trái cây mới chỉ có 8 loại được đàm phán đi theo đường chính ngạch, còn lại muốn cũng chưa đi được. Trong khi hiện nay nhu cầu của thị trường Trung Quốc, nhất là tầng lớp trung lưu là rất lớn, họ sẵn sàng chi những khoản tiền không nhỏ cho các sản phẩm đạt chất lượng. Đây chính là cơ hội cho nông dân, DN Việt Nam. 
Do vậy hãy bỏ suy nghĩ người tiêu dùng Trung Quốc dễ tính làm chất lượng sao cũng được. Phải làm cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất đi nước khó mới gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình. Có như vậy chúng ta mới hái được quả ngọt trên con đường xuất khẩu, tránh được những cuộc giải cứu liên tiếp như vừa qua. 

Các tin khác