Lo ngại thiếu điện mùa khô 2019

(ĐTTCO)-Dự báo cao điểm mùa khô năm 2019, nguồn cung điện sẽ thiếu hụt nghiêm trọng do thủy điện hụt nước; nhiệt điện, khí thiếu nguyên liệu. Nhiều kịch bản ứng phó việc thiếu điện đã được đề ra, nhưng nỗi lo còn đó…
Dự báo thủy điện sẽ thiếu nguồn nước trong mùa khô 2019 (Ảnh: Đập tràn của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ). Ảnh: CAO THĂNG
Dự báo thủy điện sẽ thiếu nguồn nước trong mùa khô 2019 (Ảnh: Đập tràn của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ). Ảnh: CAO THĂNG

Hụt nước, thiếu than…

Trong buổi làm việc mới đây nhất với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo thực trạng ở nhiều nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ ngừng hoạt động do thiếu nguồn nguyên liệu. Hiện nhiều nhà máy nhiệt điện than  ở các tỉnh phía Bắc như: Thái Bình, Nghi Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng đã tiết giảm công suất các tổ máy do lo ngại thiếu than để phát điện. Còn với các nhà máy nhiệt điện than phía Nam như: Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3, dự kiến năm 2019 phải nhập 10 triệu tấn than.

“Theo kế hoạch sản xuất năm 2019 cần khoảng 54 triệu tấn than. Trong đó, EVN nhập khẩu 10 triệu tấn than cho 2 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3 và cần khoảng 44 triệu tấn than antraxit trong nước. Tuy nhiên, do Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV) và Than Đông Bắc không cung cấp đủ nên dự kiến thiếu 8 triệu tấn than để phát điện”, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay.

Theo EVN, tổng công suất thiếu hụt do các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng hoạt động và giảm công suất khoảng 2.300MW, tương đương với công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung.

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện thiếu hụt, không đảm bảo. Trong đó, có nguyên nhân khách quan là dự báo thủy văn trong năm 2018 không tốt, thủy điện phát điện không đạt, dẫn đến phải tăng sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng đủ nhu cầu điện. Trong khi đó, thủy điện hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 30% cơ cấu nguồn điện, năm 2018 cung ứng khoảng 57 - 58 tỷ kWh.

Đáng chú ý, hiện nay một số hồ thủy điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang gần mực nước chết, dù đang trong giai đoạn tích nước. Do đó, dự báo năm 2019, sản lượng thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh. Bên cạnh đó, nhu cầu than sẽ tăng do một loạt nhà máy nhiệt điện đi vào vận hành. Sản lượng điện than năm 2019 tăng khoảng 33% so với năm ngoái nên nhu cầu than cũng tăng tương ứng. Để giải bài toán thiếu than cho nhiệt điện, đại diện TKV cho biết, thời gian qua đơn vị có bị động trong việc bổ sung thêm than cho một số nhà máy nhiệt điện bởi chưa ký hợp đồng dài hạn về cung cấp than.

Do đó, chưa có cơ sở để cân đối nhu cầu của nhà máy trong dài hạn để điều hành sản xuất theo yêu cầu. Trong thời gian tới, khi ký kết hợp đồng dài hạn, các nhà máy sẽ được chủ động hơn về nguồn nguyên liệu.

Mông lung nguồn cung

Tương tự, các nhà máy điện trong hệ thống đang cần 22 triệu m3 khí/ngày đêm, nhưng hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ có thể cung cấp được 16 triệu m3 khí/ngày đêm. Do đó, các nhà máy tua-bin khí đặt tại khu vực Phú Mỹ - Nhơn Trạch không huy động được hết công suất. Trường hợp cần huy động các nhà máy này thì phải đổ dầu vào phát điện với giá thành lên hơn 5.000 đồng/kWh. Trong khi mức giá bán lẻ điện bình quân quy định hiện nay là 1.720,65 đồng/kWh, sẽ tạo áp lực càng lớn.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (NLDC) Vũ Xuân Khu dự kiến sản lượng sản xuất từ nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Do đó, việc cung cấp đủ nguồn than, cũng như vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện than đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân đối nguồn điện năm 2019. Về thủy điện, với diễn biến thủy văn bất lợi như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cấp điện, đặc biệt vào mùa khô năm nay.

“Trong điều kiện khó khăn như vậy, hệ thống điện đang vận hành rất căng thẳng. Do đó, EVN và NLDC sẽ tăng cường công tác quản lý vận hành các nhà máy điện, cũng như hệ thống truyền tải điện để cung cấp điện đạt hiệu quả nhất. Đồng thời, các đơn vị phân phối điện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả hơn. Điều đáng lo ngại nhất trong năm nay là hệ thống điện có thể phải chạy các nguồn nhiệt điện dầu có giá thành rất cao, điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện. Việc cung cấp nước cho vùng hạ du của các hồ thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu hụt lớn lượng nước về các hồ thủy điện”, ông Vũ Xuân Khu nhận định.

Để ứng phó với tình hình thiếu điện vào cao điểm mùa khô, hiện EVN đang xây dựng kịch bản theo hướng bù nguồn cung bị hụt của thủy điện bằng sử dụng các nguồn điện khác để bù vào như năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối). Tuy nhiên, nguồn điện năng lượng tái tạo lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khó tăng sản lượng đột biến. Hơn nữa, nguồn này lại phân tán, nhỏ lẻ, khó kết nối.

Do đó, phần thiếu hụt sẽ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào điện than, nếu thiếu sẽ huy động thêm điện dầu. Dự báo năm nay, tổng lượng nhiệt điện than sẽ được huy động khoảng 116 -120 tỷ kWh/232,5 tỷ kWh, chiếm 50% tổng sản lượng điện của hệ thống năm 2019. Và đây cũng là thách thức lớn và thiếu bền vững khi tình hình cung ứng nhiên liệu than có những vấn đề nhất định như nêu trên.

Chưa kể vừa qua, TKV đã tăng giá 5% với than bán cho EVN, do đó sẽ gây ra áp lực làm tăng giá thành sản xuất điện. Đối với trường hợp huy động điện chạy dầu, phải chấp nhận chi phí đắt hơn cả nhiệt điện chạy than. Đây cũng là giải pháp “chữa cháy” do giá điện không thể tăng tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Các tin khác