Lo ngại nhập thiết bị Trung Quốc khi mở rộng nhà máy lọc dầu Cát Lái

(ĐTTCO) - Bộ Công thương vừa đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Cát Lái, tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM. 

Lo ngại nhập thiết bị Trung Quốc khi mở rộng nhà máy lọc dầu Cát Lái
Dự án có tổng mức đầu tư 1.179 tỷ đồng, công suất thiết kế 400.000 tấn/năm, do Công ty TNHH Lọc dầu Cát Lái đầu tư. Đây là DN được góp vốn bởi 3 thành viên Saigon Petro 45%, PetroSummit Pte.,Ltd 31%, CTCP Âu Lạc 24%.
Dự án dự kiến được khởi công trong năm 2018, hoàn thành trong năm 2019, sau nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Cát Lái sẽ sử dụng nguồn nhiên liệu condensate, dầu thô nhẹ nội địa, và một phần nhập khẩu. Sản phẩm chính của nhà máy là xăng, khí đốt hóa lỏng (LPG); sản phẩm phụ gồm dầu diesel (DO), benzene.
Tuy nhiên khi cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án, Bộ Công an đã đề nghị chủ đầu tư xem lại phần công nghệ nhà máy có xuất xứ Trung Quốc, xem lại các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, môi trường. 
Đồng quan điểm này, Bộ KH&CN cũng lưu ý dự án dự kiến sử dụng công nghệ NUT (Naptha Upgrading Technology) của Viện nghiên cứu chế biến dầu khí Trung Quốc (RIPP) để nâng chỉ số octane phân đoạn naptha. Bộ KH&CN cho rằng, dự án cần sử dụng máy móc, thiết bị có xuất xứ từ các nước có nền công nghiệp lọc hóa dầu tiên tiến trên thế giới, đảm bảo sự đồng bộ của dây truyền công nghệ, có phương án dự trù cụ thể về vật tư tiêu hao, linh kiện, phụ tùng thay thế dự phòng để đảm bảo hoạt động ổn định của nhà máy sau nâng cấp. Nếu có nội dung chuyển giao công nghệ cần thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, các sản phẩm xăng, DO của nhà máy nhà máy cần đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4) từ 1-1-2017, và đạt mức 5 kể từ thời điểm 1-1-2022.

Các tin khác