Lập lờ đánh lận con đen

(ĐTTCO) - Trong bài viết “Thận trọng trước mác hàng Nhật, Hàn” cách đây không lâu, ĐTTC đã đặt câu hỏi về sự lừa dối người tiêu dùng của chuỗi cửa hàng Mumuso.
Và mới đây, theo kết luận của Bộ Công Thương chuỗi này có hàng loạt sai phạm về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu…
Kết luận của Bộ Công Thương cho thấy, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa: Mumuso Việt Nam kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, tuy nhiên có đến 2.257 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước. Hiện tại Hàn Quốc không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.
Vì thế, việc công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: Mumuso có giá chỉ từ 22.000 đồng; sử dụng chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của công ty liên quan đến Hàn Quốc. 
Với những sai phạm này, DN sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 185 về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Riêng với các vi phạm dưới góc độ pháp luật về cạnh tranh, mức xử phạt trên 100 triệu đồng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, mức phạt này dành cho Mumuso là quá nhẹ vì hành vi lừa dối người tiêu dùng, bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Hàn Quốc. 
Một chuỗi cửa hàng từ lâu cũng nằm trong nghi ngờ là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Nhật Bản chính là Miniso. Với thiết kế trẻ trung, hàng hóa phong phú, đa dạng, giá thành hợp túi tiền lại được “bảo lãnh” dưới những dòng chữ Miniso-Japan, được in đậm dưới mỗi sản phẩm, chuỗi này đang thu hút khách hàng trẻ tuổi. Tại chuỗi Miniso người mua có thể tìm thấy nhiều sản phẩm mỹ phẩm rất giống các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật Bản.
Đơn cử sản phẩm nước hoa hồng khá giống thương hiệu Muji của Nhật Bản, nhưng khi xem nhãn phụ chỉ đề nước hoa hồng, giá bán, xuất xứ Trung Quốc. Thực ra ngay từ trước khi vào Việt Nam chuỗi này đã bị giới truyền thông đặt câu hỏi về nguồn gốc là Nhật Bản hay Trung Quốc, khi số cửa hàng của chuỗi này tại Nhật Bản quá ít ỏi, trong khi tại Trung Quốc con số lên tới hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng.
Lập lờ đánh lận con đen ảnh 1 Chuỗi cửa hàng Mumuso. 
Bên cạnh Miniso, Daiso cũng đang nằm trong tầm nghi ngờ của người tiêu dùng. Lâu nay chuỗi này vẫn được biết đến là điểm bán rất nhiều sản phẩm đến từ Nhật Bản. Trên các giá để hàng tại Daiso đều ghi dòng chữ “Daiso Japan - Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”.
Tuy nhiên, không khó để khách hàng tìm ra nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc với giá bán khá rẻ được bày bán tại đây. Ngoài ra còn nhiều chuỗi bán hàng Nhật, Hàn khác cũng đang nằm trong tầm ngắm đầy dò xét như Yoyoso…  
Không chỉ hàng hóa dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, các chuỗi cửa hàng Nhật, Hàn này còn mang đến dịch vụ rất giống với những quốc gia này. Như vào cửa hàng Mumuso cách chào hỏi, chăm sóc khách hàng của các nhân viên cảm thấy rất giống phong cách phục vụ từ Hàn Quốc. Rồi thiết kế những chuỗi này cũng tương tự cửa hàng ở Nhật hay Hàn. Đó cũng là điều thu hút và khiến khách hàng tin tưởng. 
Lâu nay thực trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam đã quá phổ biến, nhưng nay hàng Trung Quốc núp bóng hàng Hàn, Nhật được bảo chứng bởi những chuỗi cửa hàng lớn, khiến người tiêu dùng càng thêm hoang mang. Và đây là lúc sự vào cuộc của cơ quan chức năng càng trở nên cấp thiết hơn. 

Các tin khác