Lao đao ngành thủ công mỹ nghệ

(ĐTTCO) - Trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang thu về những thành tích khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2018, thì nhóm ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, nhiều chủ DN rơi vào cảnh “bỏ thì thương, mà vương thì tội”. 
ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty mỹ nghệ Kim Bôi. 
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ tình hình sản xuất, xuất khẩu mặt hàng TCMN của Kim Bôi cũng như tình hình chung của ngành? 
 Thực tế những con số kim ngạch xuất khẩu mà truyền thông hay đưa là nhóm ngành TCMN mang về mỗi năm hàng tỷ USD, theo tôi cũng có sự trùng lắp trong khi thống kê. Chẳng hạn như mặt hàng thêu vừa đưa vào ngành dệt may lại vừa đưa vào TCMN hay như bàn tủ chạm gỗ thống kê bên gỗ rồi lại đưa cả sang TCMN…
Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG: - Xuất khẩu ngành TCMN trong 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng rất thấp. Trừ một số ít DN lớn có đầu tư công nghệ kết quả còn khả quan, chứ phần đông các DN sản xuất nhỏ, dùng lao động nhiều hết sức khó khăn. Ngay như công ty chúng tôi cũng đang lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Chúng tôi đang đứng trước hai gọng kiềm: thiếu đơn hàng lo đi kiếm nhưng có đơn hàng lại lo kiếm công nhân. Công nhân trong ngành này không hề mặn mà với DN vì lương quá thấp. Họ thường chỉ làm khi không có việc gì khác, nhưng chúng tôi cũng đành phải chấp nhận, nếu tăng lương cho công nhân còn lỗ nặng hơn vì thời điểm này tất cả các chi phí đầu vào đều tăng cao, sắp tới đến xăng dầu tăng theo thuế môi trường.
Đó là chưa muốn nói đến chi phí đào tạo cho công nhân trong ngành này cũng không hề rẻ. Lâu nay hàng TCMN chúng ta gia công, xuất khẩu được nhờ giá rẻ. Nay tăng giá đàm phán với các nhà nhập khẩu hết sức khó. 
Kim Bôi có nhiều khách hàng đến xem, rất thích mẫu mã sản phẩm, nhưng khi nói đến giá thành không thuể thỏa thuận được. Thậm chí một khách hàng Nhật Bản đã mua hàng của chúng tôi mấy năm nay, khi chúng tôi đề xuất tăng giá 10% cũng phải mất nhiều thời gian khách hàng mới đồng ý. Trong khi với mức tăng 10% cũng không thấm vào đâu, và chúng tôi phải nỗ lực làm thêm ngành khác để bù lỗ cho ngành chính của mình. 
Lao đao ngành thủ công mỹ nghệ ảnh 1 DN ngành TCMN đang thiếu vốn đầu tư công nghệ sản xuất. 
- Liệu 6 tháng cuối năm nay cũng như dài hơi hơn ngành TCMN có điểm nào khả quan để các DN an tâm sản xuất hơn không thưa ông? 
- Mọi thứ đang rất bấp bênh, nhất là khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ khó khăn cho ngành này càng nhiều hơn. TCMN vốn không phải là mặt hàng thiết yếu, người ta chỉ mua khi dư dả và có điều kiện, còn khi kinh tế khó khăn sẽ bỏ qua mặt hàng này.
Nhiều DN sản xuất trong ngành vì không chịu được đã phải bỏ cuộc chơi, còn số khác cũng tương tự chúng tôi, tiếc công đầu tư, tiếc ngành mình đã gắn bó, bỏ nhiều tâm huyết nên cố gắng duy trì dù càng làm càng lỗ nặng hơn. Nếu nói cho tương lai của ngành TCMN tôi khá bi quan, khoảng 10 năm nữa chắc còn rất ít DN có thể trụ được với ngành. Những DN nhỏ nhiều khi muốn đầu tư máy móc thiết bị không thể vay vốn ngân hàng. 
Đâu đó còn những ý kiến cho rằng chúng tôi không chịu đổi mới, đầu tư cho thiết kế sản phẩm để chinh phục người mua. Nhưng thực sự ngay trong Kim Bôi cũng có vài trăm mẫu sản phẩm, làm theo nhu cầu của khách, nhưng chúng tôi không có kinh phí quảng bá.
Quảng bá trên các kênh thương mại điện tử như Alibaba cũng không rẻ, tham gia hội chợ quốc tế càng không đủ sức. Có chăng chỉ những DN làm thương mại mới tham gia được các hội chợ này. Nhưng rồi khi các DN thương mại mạnh họ lại dễ ép các DN sản xuất nhỏ, DN nhỏ chỉ còn biết lấy công làm lời. 
- Theo ông Nhà nước nên hỗ trợ như thế nào cho các DN sản xuất trong ngành TCMN? 
- Chúng tôi đang rất cần vốn để đầu tư cho máy móc thiết bị, như vậy sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng, từ đó DN có thể tồn tại và cạnh tranh được khi xuất khẩu. Chúng tôi cũng mong Nhà nước sẽ có chính sách cho vay, hỗ trợ vốn cho các DN trong ngành.
Tất nhiên khi nói đầu tư máy móc thiết bị chỉ một phần, còn với ngành TCMN vẫn cần có bàn tay của người công nhân lao động. Vì nếu làm hết bằng máy các nước tiên tiến như Nhật Bản, châu Âu không cần mua hàng của những quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Việc Chính phủ nói hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm theo tôi cũng không quan trọng bằng nguồn vốn. Vì khi sản phẩm có thể cạnh tranh được việc kiếm khách hàng không quá khó. Bằng chứng là giờ có những DN có đơn hàng nhưng không dám nhận, nhận sợ làm lỗ. 
- Xuất khẩu quá khó khăn do giá thành bị ép nhiều, nhưng tại sao mảng quà tặng dành cho khách du lịch khi đến Việt Nam lại chưa được các công ty sản xuất TCMN quan tâm nhiều, thưa ông?
- Cung cấp sản phẩm quà tặng cho thị trường trong nước để phục vụ nhu cầu của khách du lịch đúng là vấn đề không mới, cũng có nhiều cuộc họp bàn để tìm ra giải pháp cho vấn đề này giữa các DN trong ngành, cũng như giữa ngành TCMN và ngành du lịch.
Thế nhưng vẫn thiếu một “nhạc trưởng” cho chương trình này. Chúng tôi là DN sản xuất, không thể mang hàng đến từng cửa hàng trong chợ, từng điểm du lịch để ký gửi. Cũng có một vài đơn vị đặt hàng nhưng số lượng quá ít, không thể làm nổi. Một DN sản xuất làm sao đáp ứng nổi đơn hàng 100 cái. Chỉ việc đi kiếm nguyên liệu cũng ăn hết lời. Có chăng với số lượng 100 cái thì các hộ gia đình có thể tăng cường làm, lấy công làm lời và đương nhiên DN vẫn phải đứng ngoài cuộc chơi. 
Lâu nay nhắc đến ngành TCMN còn nhắc đến vai trò của các làng nghề, nhưng thực tế sự liên kết giữa làng nghề và DN hết sức lỏng lẻo. Dường như chưa ai chịu tin ai, nên sức mạnh chung cho ngành là không có. Để có thể tạo được chất keo gắn kết chắc cũng cần có vai trò của “bà đỡ” là cơ quan chức năng. Có như vậy mới giữ được một ngành truyền thống của Việt Nam. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác