Lận đận xăng sinh học

(ĐTTCO) - Từ ngày mai 15-12, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) sẽ triển khai bán xăng sinh học (E5). Như vậy, sau 10 năm đưa ra chủ trương sử dụng xăng sinh học, liệu E5 đã hết long đong lận đận?
Lận đận xăng sinh học
Cách nay đúng 10 năm, ngày 20-11-2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Mục tiêu của đề án là phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Vấn đề quốc kế dân sinh trong năng lượng đã được hoạch định với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn: đến năm 2010, xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng nhiên liệu sinh học quy mô 100.000 tấn E5 bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước; đến năm 2015, sản lượng ethanol đủ pha chế được 5 triệu tấn E5, đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước...
Thực hiện chủ trương này, các địa phương mở rộng diện tích trồng sắn và xây dựng các nhà đầu tư sản xuất ethanol. Vào ngày 19-5-2008, lần đầu tiên xăng E5 được bán tại 2 cây xăng ở Hà Nội. Thế nhưng chỉ ít ngày sau, do những thông tin đổ tội cho E5 gây cháy xe gây hoang mang, người ta đã tạm dừng bán xăng E5. Thế là xăng E5 lận đận, bỏ thì vương thương thì tội. Nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa. Nhiều khoản vay nợ biến thành nợ xấu. Bà con nông dân lại bỏ sắn trồng cây khác. Nhiều người chìm nổi bởi gánh nặng trách nhiệm...
Cho đến năm 2014, theo lộ trình của Chính phủ đặt ra từ cuối năm xăng E5 sẽ được sử dụng thí điểm tại 7 tỉnh để năm 2015 sử dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ có tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đúng lộ trình sử dụng E5 nhờ phối hợp với PVN thúc đẩy vùng nguyên liệu sắn và hệ thống phân phối trên địa bàn. 
Đề cập những khó khăn trong việc triển khai lộ trình bán xăng E5, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, cho biết đến hết tháng 8-2017, trên địa bàn TP có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỷ lệ 45%) với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu toàn TP.
Tuy nhiên, đến nay, sản lượng tiêu thụ xăng E5 đang có chiều hướng giảm do người tiêu dùng không chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5. Bên cạnh đó, mức chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 quá thấp, chỉ 270 đồng/lít thực sự không hấp dẫn người tiêu dùng trong bối cảnh vẫn còn tâm lý e ngại khi được giới thiệu và khuyến khích dùng thử. Trong tình huống thay thế 100% xăng A92 bằng xăng sinh học E5, người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng cao mặt hàng này, ảnh hưởng nguồn cung.
Điều khiến cơ quan quản lý cảm thấy lo lắng là doanh thu của các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 đang rất thấp so với kinh doanh xăng A92, A95. Sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao, mức chiết khấu thấp không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.  Sở Công Thương TPHCM cho biết đã có doanh nghiệp từng gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý tạm ngưng kinh doanh xăng E5.
Dù đã bàn thảo nhiều cách mở đường thuận lợi cho xăng E5 xâm nhập thị trường và chiếm lòng tin người tiêu dùng, nhưng đến sát thời hạn bắt buộc thay thế xăng RON 92 bằng E5, doanh nghiệp vẫn lo lắng bị sụt giảm lợi nhuận, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa an tâm. Để xăng E5 hết lận đận cần thực sự đổi mới cơ chế, chính sách về thuế, ưu tiên vay vốn, trợ giá và sử dụng đất đai xây dựng vùng nguyên liệu, mạng lưới phân phối để hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư vào phát triển sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học ở Việt Nam.

Các tin khác