Kinh tế biển miền Trung (B2): Cần trung tâm hậu cần nghề cá

Duyên hải miền Trung đang sở hữu đội tàu số lượng đông, công suất lớn. Trong tương lai, bên cạnh tàu vỏ gỗ truyền thống, đội tàu này sẽ được hiện đại hóa bằng đa chất liệu, vỏ thép, composit... hiện đang được triển khai tích cực. Vậy nhưng, hệ thống cầu cảng, âu thuyền, cơ sở thu mua, chế biến, cung ứng, sửa chữa... cho các loại tàu này vừa thiếu và yếu, đang là nỗi lo của ngư dân mỗi khi cập bờ mua bán sản phẩm và tránh trú khi có gió bão.

Duyên hải miền Trung đang sở hữu đội tàu số lượng đông, công suất lớn. Trong tương lai, bên cạnh tàu vỏ gỗ truyền thống, đội tàu này sẽ được hiện đại hóa bằng đa chất liệu, vỏ thép, composit... hiện đang được triển khai tích cực. Vậy nhưng, hệ thống cầu cảng, âu thuyền, cơ sở thu mua, chế biến, cung ứng, sửa chữa... cho các loại tàu này vừa thiếu và yếu, đang là nỗi lo của ngư dân mỗi khi cập bờ mua bán sản phẩm và tránh trú khi có gió bão.

Kinh tế biển miền Trung (B1): Đi lên từ những đội tàu

Bất cập, thiếu đồng bộ

Dự án nạo vét, thông luồng, xây dựng hai tuyến đê Bắc-Nam, vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á (do Sở NN-PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư) tại xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ), với số vốn khoảng 104.000 tỷ đồng nhằm giúp tàu thuyền có công suất lên tới 400CV có thể tránh trú bão. Thế nhưng, thực tế diễn ra ở công trình có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ kinh phí nhà nước và vốn vay này đang có những tác dụng ngược.

Ngư dân xã Phổ Quang và các xã lân cận lâu nay mỗi khi cho tàu vào vũng neo đậu đều lo sợ trước luồng lạch bị bồi lắng, ken dày những tảng đá mồ côi ở giữa, hai bên sẵn sàng đánh gãy chân vịt, cốt tàu hay làm tan xác cả những con tàu lớn.

Ngư dân Nguyễn Văn Sết (chủ tàu QNg 98530), công suất 150CV, kể tháng 2-2013, tàu cá của ông Nguyễn Vũ khi vào cảng trú áp thấp nhiệt đới, dù đã cố gắng tránh né các tảng đá nhưng vẫn bị sóng đánh bạt ngang khiến tàu bể nát, các ngư dân trên tàu phải nhảy xuống biển, may được người dân tiếp cứu. Cách cửa biển Mỹ Á không xa là cửa Sa Huỳnh (cũng của huyện Đức Phổ). Từ khi tuyến kè chắn sóng, chắn cát của cửa biển này được xây dựng phục vụ cho tàu thuyền ra vào neo đậu đã có gần 40 tàu cá của ngư dân bị đánh tan nát.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết: “Xã Phổ Thạnh có 935 tàu thuyền, phân nửa là tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng bình quân những năm trước khoảng 38.000 tấn. Năm ngoái do không dám hoạt động tại khu vực cửa biển Sa Huỳnh, đã có trên 550 tàu loại 90CV trở lên của xã phải di tản đến các tỉnh bạn, khiến sản lượng đánh bắt sụt giảm hẳn”.

Để gỡ những chiếc “bẫy” tàu này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho một DN tiến hành phá đá mồ côi, nạo vét khu vực cửa biển Sa Huỳnh. Tuy nhiên, cùng với dự án cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ do Sở NN-PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn gần 100 tỷ đồng, khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay do thi công ì ạch, đã khiến cả 3 gói thầu trên đang dậm chân tại chỗ.

Tại Quảng Nam có 3 cảng cá là Tam Kỳ (TP Tam Kỳ), Cửa Đại (TP Hội An) và An Hòa (huyện Núi Thành), nhưng cả 3 cảng cá này đều bất cập, thiếu đồng bộ buộc ngư dân phải cập vào các cảng cá do tư nhân xây dựng, dù manh mún và tự phát. Cảng cá Cửa Đại được phê duyệt và tiến hành xây dựng từ năm 1999 với số vốn đầu tư gần 19 tỷ đồng.

Năm 2003, dự án xây dựng xong bờ rào, cầu cảng, nhà tiếp nhận thủy sản và một vài hạng mục khác. Sau đó, dự án phải tạm dừng để chuyển giao cho Công ty Đầu tư xây dựng, thương mại - dịch vụ Cù lao Chàm. Từ khi chuyển giao đến nay, công trình hoàn toàn không được xây dựng thêm, nên không được sử dụng cho mục đích thiết thực nào.

Cảng cá Tư Hiền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) do Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, với kinh phí 29 tỷ đồng, được bắt đầu xây dựng vào tháng 8-2004 và hoàn thành vào tháng 8-2010. Tuy nhiên, hơn 5 năm nay công trình này phơi mưa, phơi nắng, dẫn đến hư hỏng nặng. Tại TP Đà Nẵng, hiện khu neo đậu tàu thuyền Thọ Quang với sức chứa khoảng 800 tàu, nhưng thực tế số lượng tàu neo đậu đã lên tới 1.800 tàu. Việc thiếu âu thuyền tránh bão không chỉ gây khó khăn cho bà con ngư dân về nơi neo đậu, mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển đánh bắt hải sản ở địa phương.

Hiện thực hóa các giải pháp

Việc thiếu âu thuyền cũng như các vũng neo đậu khiến ngư dân lo lắng, nhất là trong mùa mưa bão. Ông Lê Phước Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từng băn khoăn trên địa bàn 9 tỉnh, TP miền Trung, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với sức chứa khoảng 11.225 tàu có công suất dưới 400CV.

Nhưng trên thực tế, các khu này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của ngư dân và yêu cầu tránh, trú trong tình huống thiên tai. Nguyên nhân do thiết kế, xây dựng không đồng bộ, hệ thống luồng vào không đảm bảo do luôn bị bồi lấp.

Điều này đã tập trung ngư dân vào một số khu có điều kiện kết cấu hạ tầng đảm bảo và dịch vụ tốt gây tình trạng quá tải như Thọ Quang là một thí dụ. Vì vậy, tại Quảng Nam, ngoài việc nâng cấp âu thuyền Hồng Triều và An Hòa, UBND tỉnh đang đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền Cửa Đại để sớm đưa vào hoạt động. Trong khi đó, dự án âu thuyền Đề Gi (tỉnh Bình Định) cũng được tài trợ 47 tỷ đồng để mở rộng khu neo đậu trú bão, các dịch vụ nghề cá...

Theo số liệu thống kê vùng duyên hải miền Trung hiện có 70 cảng cá/bến cá/chợ cá phục vụ cho các hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, hệ thống cảng cá/bến cá/chợ cá tại nhiều địa phương chưa được quy hoạch chi tiết. Một số cảng/bến được thiết kế xây dựng chưa thật sự phù hợp, không phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả khi đầu tư.

Hệ thống cảng cá, luồng lạch và vũng đậu tàu chưa được đầu tư đồng bộ. Các điểm tập kết sản phẩm thủy sản ở các bãi ngang, làng cá... còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý, giám sát. Một số cảng cá/bến cá đã xuống cấp, cần phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới. Thiếu khu neo đậu trú bão tại các cảng cá/bến cá nên khi có bão lớn, các khu neo đậu hiện hữu thường bị quá tải.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản sau thu hoạch. Theo Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, miền Trung sẽ có 72 khu neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền, tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch 11.230 tỷ đồng. Chính phủ đã có Quyết định 346/QĐ-TTg ngày 15-3-2010 phê duyệt quy hoạch cảng cá, bến cá Đà Nẵng đến năm 2020, trong đó Thọ Quang là cảng cá loại I, đồng thời bổ sung thêm 1 âu thuyền tại Đà Nẵng.

Âu thuyềnThọ Quang đang quá tải tàu neo đậu.

Âu thuyềnThọ Quang đang quá tải tàu neo đậu.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng ngành thủy sản của vùng duyên hải miền Trung, các chuyên gia đưa ra 4 nhóm giải pháp để phát triển thủy sản bền vững cho khu vực. Trong đó có đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng trước một trung tâm hậu cần nghề cá tại vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây nguyên. Đây là trung tâm nằm trong tổng số 5 trung tâm hậu cần nghề cá Bộ NN-PTNT đã đề xuất Chính phủ xây dựng tại các khu vực trong cả nước.

Để hiện thực hóa nhóm giải pháp trên, theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2016 sẽ ưu tiên đầu tư cho Trung tâm nghề cá Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa, với số vốn gần 1.600 tỷ đồng. Tiếp theo là Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường trọng điểm biển Đông và Hoàng Sa...

Các tin khác