Kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, hiệu quả thấp

(ĐTTCO)  - Một lần nữa những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) lại được chỉ ra như là một trong những điểm nghẽn, kiềm chế hiệu quả kinh doanh của DN. Điều này đi ngược với sự chỉ đạo của Chính phủ về việc kiến tạo môi trường kinh doanh (MTKD) thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam.

(ĐTTCO)  - Một lần nữa những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) lại được chỉ ra như là một trong những điểm nghẽn, kiềm chế hiệu quả kinh doanh của DN. Điều này đi ngược với sự chỉ đạo của Chính phủ về việc kiến tạo môi trường kinh doanh (MTKD) thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam.

Tồn tại nhiều bất cập

Dù đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ trong việc cải thiện MTKD thông qua các Nghị quyết 19 về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), cho rằng DN vẫn mong mỏi có sự đột phá quyết định, hiệu ứng tích cực, mang tính hệ thống với tác động lâu bền để họ phát triển kinh doanh.

Bởi lẽ, trong thực tiễn vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại của DN, do vậy  cần phải được xem xét, nghiên cứu, tháo gỡ để tạo động lực thực sự cho phát triển kinh tế.

Thí dụ, hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là mảng chuyên môn, đa ngành, phức tạp, đòi hỏi khả năng thực thi tốt, phối hợp hài hòa của nhiều cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này nhiều cơ quan quản lý lúng túng trong thực thi, đã gây nhiều ách tắc, khiến hiệu quả kinh doanh của DN bị kiềm chế.

Nêu thí dụ về sự bất cập của KTCN, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics, cho biết cùng một mặt hàng là thức ăn cho gà, heo, tôm, cá, DN phải đăng ký làm thủ tục KTCN tại 2 cơ quan là Cục Thú y và Cục Thủy sản. Quy định trùng lắp này đã làm tốn chi phí, thời gian của DN.

Ông Thành đề nghị trong thủ tục KTCN các cơ quan quản lý cần theo nguyên tắc công nhận kết quả kiểm tra lẫn nhau; nguyên tắc quản lý rủi ro (vì có những lô hàng nguyên liệu nhập hàng chục năm từ thị trường uy tín tốt như Nhật Bản, châu Âu không phát hiện sai phạm nhưng vẫn phải KTCN); xây dựng cổng thông tin điện tử 1 cửa quốc gia để các cơ quan chuyên ngành truy xuất... 

Việc kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại nhiều bất cập.

Việc kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại nhiều bất cập.

Theo ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), KTCN hiện tồn tại nhiều bất cập. Đó là văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, KTCN nhiều nhưng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, còn có sự chồng chéo; danh mục hàng hóa phải KTCN nhiều, phạm vi kiểm tra rộng, thậm chí có mặt hàng không có mã số HS (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu), chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra; chưa có quy định áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong công tác KTCN.

Việc KTCN chủ yếu thực hiện đối với từng lô hàng và thời điểm kiểm tra quy định trước khi thông quan hàng hóa; thủ tục KTCN chủ yếu thực hiện bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra… Tỷ lệ KTCN nhiều nhưng phát hiện vi phạm nhiều khi chỉ 1/1.000 lô hàng.

Để tạo thuận lợi cho DN cần phải thay đổi, minh bạch danh mục hàng hóa cần kiểm tra. Bởi lẽ, với 9 triệu lô hàng thông quan hàng năm, nếu không áp dụng biện pháp quản lý rủi ro như thông lệ quốc tế sẽ không thể căng hết nguồn lực ra các cửa khẩu được.

Phải đột phá thủ tục hành chính

Theo đại diện nhiều DN, các khó khăn, bức xúc, vướng mắc tồn tại lâu trong môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đã kiến nghị nhiều nhưng các cơ quan quản lý chưa có giải pháp điều chỉnh, hoặc điều chỉnh chưa triệt để. Thí dụ, các vấn đề vướng mắc trong thực hiện thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý và KTCN (cấp phép xuất nhập khẩu, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, kiểm tra văn hóa...).

Đại diện các hiệp hội như DN Dịch vụ logistics Việt Nam, Dệt may, Da giày, Thủy sản, Bông sợi, Gỗ và lâm sản và DN Nhật Bản cho rằng nhiều quy định quản lý đang đi ngược tinh thần Chính phủ kiến tạo. Như vụ quy định phí mới tại cửa khẩu cảng biển của TP Hải Phòng, dẫn tới nguy cơ sụt giảm hiệu quả kinh doanh do chính quy định chính sách, pháp luật còn hạn chế, kém ổn định...

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), thừa nhận các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19 so với những nước phát triển vẫn còn khoảng cách tương đối xa. Còn nếu so với khu vực, Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và so với Singapore, Malaysia vẫn còn thấp.

Thứ hạng dù đặt ra khiếm tốn, nhưng để đạt được đòi hỏi phải rất quyết tâm. Cũng theo ông Phan, thủ tục hành chính 1 cửa, 1 cửa liên thông nếu làm tốt thì MTKD thông thoáng, còn nếu không vẫn còn chỗ cho nhũng nhiễu, tiêu cực. Vì vậy, để góp phần cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã cho ra mắt trang web: nguoidan.chinhphu.vn nhằm tiếp nhận các kiến nghị của người dân, DN.

Dù chỉ mới hoạt động thời gian ngắn nhưng website cũng đã nhận được gần 500 kiến nghị. Các thông tin gửi qua website sẽ được phản hồi người gửi, từ việc nhận kiến nghị cho đến kiến nghị đó được chuyển cho các bộ, ngành liên quan tiếp nhận, xử lý. “DN khi có vướng mắc thường phản ánh ngay, nhưng cơ quan hành chính cũng mong bên cạnh kiến nghị cần có đề xuất tháo gỡ. Điều đó đòi hỏi các diễn đàn, tổ chức DN cần huy động chuyên gia giỏi để phản biện, đề xuất và Chính phủ sẽ lắng nghe” - ông Phan nói.

Các tin khác