Khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

(ĐTTCO)-Hiện vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào đánh giá cũng như xác định nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam giải thể, phá sản.
 
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm ra thị trường
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm ra thị trường
Theo một số chuyên gia, tình trạng mỗi năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất cao, nhưng số lượng DN giải thể, phá sản cũng nhiều, dẫn đến mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là rất khó khăn.

Thống kê tổng số doanh nghiệp thành lập mới ở 7 tỉnh, thành phố phía Nam là gần 48.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 371.000 tỷ đồng (chiếm gần 44% về số lượng doanh nghiệp và gần 42% về số vốn đăng ký so với cả nước). Trong đó, TPHCM là địa bàn có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất, tiếp theo là các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai... 

Với hầu hết doanh nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, áp lực về gánh nặng chi phí đầu vào trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản ngày càng nhiều. Tuy đồng tình với sự phân công trách nhiệm từ Chính phủ đến các bộ ngành trong việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng việc ban hành cơ chế chính sách cần nghiên cứu và định lượng chính sách thật cụ thể.
Trong đó, chú trọng tránh tình trạng quy định chung chung theo kiểu “hiểu cách nào cũng đúng” và khi cần tìm hiểu thêm thì doanh nghiệp không biết phải gặp ai, cơ quan nào để nhận được sự hỗ trợ.
“Nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng không có điều kiện tiếp cận sự tư vấn và hướng dẫn về chính sách thuế; hoặc cơ chế hoàn thuế cho doanh nghiệp hiện rất chậm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũ không được ưu đãi bằng doanh nghiệp mới thành lập nên đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp tự giải thể rồi sau đó xin thành lập mới để nhận ưu đãi”, bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết. 

Để có thể cải thiện nội lực phát triển của doanh nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường, nâng cấp trung tâm kiểm định, đáp ứng yêu cầu toàn cầu… rất cần đường lối chính sách, hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch. Mặt khác, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước phải tính toán sao cho thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
ThS Lê Hùng Điệp, Trường Đại học Sài Gòn, cho rằng cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang chuyển động nhanh, đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn vốn để đầu tư đổi mới sáng tạo. Các ngân hàng cần thực hiện tốt vai trò thẩm định, tư vấn để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chứ không nên chỉ tập trung cho vay thế chấp. 

Nói về tình hình nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú - một trong những đơn vị hiếm hoi sản xuất dệt may theo phương thức ODM (chủ động từ khâu thiết kế đến bán sản phẩm), cho biết cái khó nhất của doanh nghiệp chính là tìm nguồn cung ứng vải.
Để có thể thiết kế ra những sản phẩm may mặc có giá trị gia tăng cao đều phải nhập khẩu nguyên liệu vải từ nước ngoài. Trong những năm lại đây, cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số thị trường mới nổi như Campuchia, Malaysia, Bangladesh… thì nguồn cung ứng vải ngoại nhập ngày càng khan hiếm. Trong nhiều trường hợp, công ty không thể tìm được doanh nghiệp nội sản xuất loại vải đáp ứng mẫu thiết kế sản phẩm của công ty. 

Trước những thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, các chuyên gia thống nhất quan điểm, các cơ quan chức năng, tổ chức xúc tiến cũng như hiệp hội cần phát huy mạnh mẽ vai trò cảnh báo, dự báo những diễn biến xu hướng và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất.
Qua đó, từng bước giúp doanh nghiệp tránh “dò dẫm” phát triển như hiện nay; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp đấu tranh với những thông tin sai lệch về sản phẩm Việt, cũng như hạn chế những rủi ro bịáp đặt thuế chống bán phá giá trên thị trường quốc tế. Đồng thời, tăng cường bảo vệ thương hiệu sản phẩm và sở hữu trí tuệ của hàng Việt tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo TS Trần Du lịch, chuyên gia kinh tế, đồng thời là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nếu không có chiến lược phát triển doanh nghiệp nội, nền kinh tế Việt Nam chỉ phát triển dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thế nhưng, muốn đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nội, việc trước tiên phải có chính sách kinh tế vĩ mô, tỷ giá ổn định; quy định pháp luật không ban hành và sửa đổi quá nhanh khiến doanh nghiệp không kịp thích nghi. Chính phủ cần tạo ra hành lang an toàn pháp lý để giúp doanh nghiệp an tâm phát triển.

Các tin khác