Khai thác tiềm năng phải chịu lỗ?

(ĐTTCO) - Thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam luôn được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng kết quả được công bố mới đây của nhiều nhà bán lẻ, dường như đang đối mặt với khó khăn. 
Khai thác tiềm năng phải chịu lỗ?
Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh mọc lên, thay vì nằm sâu trong các khu dân cư, những cửa hàng mới lại chọn vị trí trên các con đường lớn, đặc biệt ngay giữa các khu chợ truyền thống. Sự xuất hiện mới mẻ này đang giúp chuỗi Bách Hóa Xanh thu hút được nhiều sự chú ý hơn.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới di động, chiến lược đi sâu vào khu dân cư của Bách Hóa Xanh hơi vội vàng, đã khiến DN lỗ lũy kế 60 tỷ đồng trong quý I-2018, phải đóng cửa 3 cửa hàng. Dự kiến trong năm nay DN sẽ giảm từ 1.000 cửa hàng xuống còn 500 cửa hàng. 
Còn với chuỗi Lotte Mart, sau 11 năm kinh doanh tại Việt Nam, Lotte Mart lỗ khoảng 2.300 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn dưới 200 tỷ đồng. Ngay sau đó, Lotte Mart đã “đính chính” lại lỗ lũy kế đến hiện tại gần 800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.600 tỷ đồng (theo chuẩn mực kế toán Việt Nam).
Nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc cũng lý giải nguyên nhân lỗ lũy kế do đưa vào hoạt động nhiều trung tâm thương mại trong khi mỗi trung tâm cần thời gian 5-8 năm để đạt điểm hòa vốn. 
Bán lẻ trực tuyến cũng được coi nhiều tiềm năng với những con số ấn tượng liên tiếp được đưa ra, như tốc độ tăng trưởng hàng năm trong khoảng 25%, lượng người dân sử dụng internet nằm trong những nước cao trên thế giới, đặc biệt thị trường Việt Nam đang là điểm dừng chân tiếp theo của những ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.
Nhưng những DN tham gia vẫn đang phải đối mặt với thực tế thua lỗ và Tiki là một điển hình. Dù liên tiếp nhận được các khoản đầu tư trong và ngoài nước, Tiki vẫn chịu những khoản lỗ khủng khi tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần với những ông lớn nước ngoài tại thị trường nội.
CEO Trần Ngọc Thái Sơn của Tiki cho rằng, việc Tiki thua lỗ lớn chứng tỏ công ty vẫn đang phát triển, bởi đang đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, kho bãi, nguồn nhân lực, công nghệ và thanh toán. Không biết lộ trình và mục tiêu tiếp theo của Tiki cụ thể ra sao, nhưng thực tế đã có rất nhiều nhà đầu tư phải chia tay TTBL trực tuyến do không thể kéo dài các khoản lỗ. 
Thua lỗ là thách thức lớn nhất ở TTBL Việt Nam. Song đó không phải là tất cả, hiện nay còn một rào cản đòi hỏi các nhà đầu tư phải vượt qua  là làm thế nào để lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Bởi theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian qua cơ quan này tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại trang web Lazada.vn của Công ty TNHH Recess.
Dù Lazada giải quyết thỏa đáng các trường hợp khiếu nại, nhưng do người tiêu dùng tiếp tục phản ánh các vấn đề lặp lại trong quá trình kinh doanh của Lazada, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ kết hợp với cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh của DN này trong thời gian tới.

Các tin khác