Hộ kinh doanh sẽ khai thuế như doanh nghiệp?

(ĐTTCO)- Thay vì khoán, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 3 tỉ đồng/năm trở lên kê khai thuế như doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại phải cung cấp tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.

Từ tháng 7-2020, các hộ kinh doanh có doanh thu mỗi năm 3 tỉ đồng trở lên sẽ kê khai thuế như DN - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ tháng 7-2020, các hộ kinh doanh có doanh thu mỗi năm 3 tỉ đồng trở lên sẽ kê khai thuế như DN - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là hai điểm mới, theo ông Lưu Đức Huy - vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tại dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huy cho biết dự luật lần này nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế, quản lý thuế hiệu quả hơn.

Hộ có doanh thu từ 3 tỉ đồng/năm sẽ khai thuế

* Nội dung quản lý thuế đối với hộ kinh doanh sửa đổi như thế nào và liệu có ngăn chặn được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, "ăn vặt" của một số cán bộ thuế?

- Dự luật mới quy định những hộ có không quá 10 lao động và doanh thu tối đa 3 tỉ đồng/năm ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng; 10 tỉ đồng/năm với lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì phải thực hiện theo chế độ kế toán và nộp thuế kê khai thay vì khoán như lâu nay.

Những hộ kinh doanh đáp ứng đủ tiêu chí của doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ nhưng "trốn" không lên DN thì sẽ phải áp dụng chế độ kế toán và nộp thuế như DN. Việc áp dụng kê khai thuế như nêu trên giúp quản lý thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của những hộ có quy mô lớn minh bạch và hiệu quả hơn.

Còn đối với những hộ quy mô nhỏ hơn vẫn dùng chế độ khoán như lâu nay và sẽ được công khai tại trụ sở xã phường, chi cục thuế, chợ… để các hộ, cá nhân kinh doanh giám sát lẫn nhau, ngăn chặn tình trạng thất thoát thuế, vì thế quản lý thuế chắc chắn tốt hơn.

* Nhiều ý kiến cho rằng không nên quá tập trung vào hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ vì đóng góp ngân sách không nhiều?

- Đúng là đóng góp của hộ, cá nhân trong ngân sách nhà nước không lớn, chỉ 2-3% trên tổng số thuế dù số lượng rất đông đảo. Nhưng cũng có quan điểm nói chúng ta vẫn thất thu từ hộ kinh doanh này và ngành thuế phải có biện pháp ngăn chặn. Và việc áp dụng chế độ kế toán và thuế kê khai với hộ như DN là để minh bạch trong quản lý thuế. Mặt khác, Chính phủ đang khuyến khích các hộ thành lập lên DN, DN siêu nhỏ nên quy định này cũng nhằm đồng bộ với chính sách phát triển DN.

* Số tiền nợ đọng thuế của cả nước tính đến nay lên tới hơn 82.000 tỉ đồng. Để nợ thuế giảm, chế tài xử phạt về thuế có tăng mức xử phạt?

- Bộ Tài chính không nâng mức xử phạt hành chính vi phạm về thuế lên vì thực tế mức xử phạt hiện hành cũng đã khá nặng. Cụ thể khi anh kê khai thuế sai thì bị xử phạt 20% số tiền phải nộp, cộng thêm bị phạt chậm nộp 0,03%/ngày. Trường hợp khai sai dẫn đến hành vi trốn thuế thì bị phạt 1-3 lần số thuế trốn. Chẳng hạn ông Nguyễn Văn A kê khai thiếu 1 tỉ đồng sẽ bị xử lý do kê khai sai là 20% của 1 tỉ đồng là 200 triệu đồng, mỗi ngày bị phạt chậm nộp 0,03% số tiền thuế nộp thiếu là 300.000 đồng, rồi còn bị phạt 1-3 tỉ đồng nữa vì trốn thuế.

Ngân hàng cung cấp số tài khoản cho thuế

* Vì sao ngân hàng thương mại phải cung cấp số tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế?

- Từ tiếp thu ý kiến góp ý, dự luật mới chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp số tài khoản có gắn với mã số thuế của khách hàng, chứ không phải cung cấp số dư tài khoản, thông tin giao dịch của tài khoản như trước đây, mục đích cũng là để quản lý thuế tốt hơn, đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Như trường hợp người nộp thuế nợ thuế đến mức phải cưỡng chế chẳng hạn, cơ quan thuế sẽ phải thực hiện các biện pháp phong tỏa tài khoản hay trích tiền từ tài khoản. Thực tế một người có thể mở tài khoản tại rất nhiều ngân hàng, mà nếu không có thông tin tài khoản của họ thì không thể thu được thuế với trường hợp chây ỳ, cố tình trốn thuế.

* Trường hợp nào cơ quan thuế mới yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp số tài khoản ngân hàng của khách?

- Tham khảo kinh nghiệm của các nước, hầu hết đều quy định ngân hàng cung cấp số tài khoản của khách hàng gắn với mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Còn ở nước ta thì chỉ thực hiện khi cơ quan thuế yêu cầu. Hay với những trường hợp có dấu hiệu rủi ro về thuế, ngân hàng cũng cung cấp các giao dịch thanh toán của người nộp thuế.

Dự kiến khi luật có hiệu lực, cơ quan thuế sẽ hướng dẫn người nộp thuế bổ sung tài khoản tại các ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế tài khoản tương ứng với mã số thuế của khách hàng, để sau này ngành thuế sẽ có dữ liệu của người nộp thuế.

* Liệu có đảm bảo những thông tin tài khoản không lọt, lộ ra ngoài?

- Tôi xin khẳng định lại khi được cung cấp số tài khoản ứng với mã số thuế của người nộp thuế là chỉ nhằm việc quản lý của ngành thuế được tốt hơn, và trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải bảo mật thông tin này.

Các tin khác