Gọi ứng dụng không chỉ “xe ôm”...

(ĐTTCO) -  Nếu các đại gia bán lẻ đã và đang để người tiêu dùng Việt Nam quen với khái niệm one stop shopping (một điểm đến đáp ứng mọi nhu cầu), thì các DN công nghệ như Grab, Zalo, Go – Viet… lại đang giới thiệu một khái niệm mới khác “all – in on app” (ứng dụng đa năng – một ứng dụng đáp ứng nhiều nhu cầu). 

Sân chơi nhiều đối thủ
Gần 12 giờ trưa, thay vì đi ăn một mình vừa nắng vừa buồn, chị Thùy Linh (quận 3, TPHCM) quyết định chọn dịch vụ giao thức ăn của Grab. Rất nhanh sau đó chị đã được thưởng thức món ăn của một quán mà chị hay ăn gần công ty. Thực tế hiện nay với khá nhiều người có cài ứng dụng Grab, ngoài việc đặt xe (xe ô tô và xe máy) phục vụ nhu cầu di chuyển thì thông qua ứng dụng này còn có thể chọn dịch vụ giao hàng hoặc giao thức ăn. Và tất nhiên mọi thứ vẫn chưa dừng lại, theo như tham vọng của hãng công nghệ này họ sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng trong một ứng dụng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Grab Việt Nam đã tiết lộ: “Chúng tôi sẽ tạo ra một sàn giao dịch đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Dự kiến trong vòng 10 năm tới, khách hàng chỉ cần sử dụng Grab sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu, từ đi lại, ăn uống đến mua sắm, tiêu dùng…”.
 Cuộc đua nào cũng vậy, khi các tay đua vào đường đua và tăng tốc nhằm chiếm thị phần khách hàng, câu hỏi được đặt ra ai sẽ về đích sớm, sẽ nắm được thị phần nhiều hơn nhất là khi cuộc đua ấy có cả đối thủ trong và ngoài nước.
Một đối thủ của Grab trong mảng đặt xe công nghệ là Go – Viet cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Hiện ngoài dịch vụ đặt xe máy, Go - Viet cũng có thêm ứng dụng giao hàng nhanh và trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều dịch vụ khác được triển khai.
Bởi Go –Jek (công ty mẹ của Go - Viet) đang là một ứng dụng đa năng thành công ở thị trường Indonesia, với hơn 20 dịch vụ khác nhau được chia thành các mảng như di chuyển – giao nhận, đời sống và thanh toán. Theo đó, không chỉ gọi xe, gọi thức ăn, đặt giao hàng, người tiêu dùng Indonesia còn gọi nhờ đi chợ giúp, gọi lau dọn nhà, gọi thợ sửa xe, gọi nhân viên massage... cũng trên ứng dụng này.
Và không chỉ có các ứng dụng đặt xe công nghệ mới có tham vọng trở thành các ứng dụng đa năng, nhiều ứng dụng khác cũng đang bắt đầu tham gia cuộc chơi này như Now hay Zalo. Nếu như trước đây người ta dễ mặc định Now là nền tảng ứng dụng chuyên giao món ăn, thì nay nếu tải ứng dụng này về điện thoại người dùng sẽ còn thấy thêm được các tiện ích khác như đặt bàn tại nhà hàng, tìm giúp việc, tìm địa chỉ làm đẹp, giao hàng… và gần đây nhất chính là đặt xe công nghệ.
Hay như Zalo – một ứng dụng của Việt Nam, tương lai gần có lẽ không chỉ đơn thuần là một ứng dụng chat cho người Việt, mà còn trở thành siêu ứng dụng với những dịch vụ như đặt xe, giao thức ăn, thông tin du lịch, tài chính, mua sắm… Và có lẽ cũng không lâu nữa người tiêu dùng Việt sẽ không cần nhớ quá nhiều thông tin, xem quá nhiều trang mạng tìm kiếm, mà chỉ cần tải một trong những ứng dụng nói trên thì mọi nhu cầu đều có thể được đáp ứng. 
Gọi ứng dụng không chỉ “xe ôm”... ảnh 1 Ứng dụng gọi xe Grab hay GoViet không chỉ là “xe ôm” mà còn phát triển đa lĩnh vực. 
Sáng tạo, biết người biết ta sẽ thắng
Khi nhắc đến việc có mặt đối thủ trong và ngoài nước, điều mà nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chính là tiềm lực tài chính. Grab có mạnh về tài chính không, câu trả lời đã có khi DN này được Toyota và 7 quỹ đầu tư khác rót khoản vốn hơn 2 tỷ USD, nâng giá trị của Grab lên hơn 6 tỷ USD. Và chắc chắn với nguồn vốn mới này, Việt Nam cũng là thị trường được DN này đẩy mạnh rót vốn phát triển ứng dụng.
Ngoài tài chính thì Garb hiện còn sở hữu một lượng người sử dụng ứng dụng cũng như đối tác tài xế rất lớn sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Uber. Theo những con số mà hãng này đưa ra, tại Việt Nam Grab có 175.000 đối tác tài xế, với người dùng thì cứ 10 người đã có 2 người tải ứng dụng và sử dụng. 
Vậy Zalo có gì. Điều đầu tiên mà Zalo sở hữu cũng chính là lượng người tải ứng dụng rất khủng. Vào tháng 5 vừa qua, Zalo đã phát đi thông cáo cho biết họ đã có 100 triệu người dùng trên khắp toàn cầu. Ngoài lãnh thổ Việt Nam, Zalo hiện là công cụ giao tiếp của cộng đồng người Việt khắp thế giới.
Vào tháng 6-2016, Zalo bắt đầu phát hành phiên bản địa phương đầu tiên ở thị trường Myanmar và thu hút 2 triệu người dùng chỉ sau 4 tháng. Ngoài ra, Zalo cũng là ứng dụng được cấp phép thanh toán điện tử, trong khi Grab mới đây phải ký kết hợp tác với Moca vì chưa được cấp phép cho Grabpay. Thế nhưng, về sức mạnh tài chính có lẽ ứng dụng của Việt Nam này cũng chưa thể sánh kịp với những đại gia như Grab với sự hậu thuẫn của nhiều đối tác lớn. 
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC xung quanh nội dung này, chuyên gia Lý Trường Chiến, cho rằng kỷ nguyên này là của sáng tạo và đổi mới, và như vậy sẽ không bị giới hạn bởi tài chính hay quy mô, mà sẽ trao cơ hội cho nhiều cá nhân/tổ chức những người bị cho là yếu thế trước đây. Ngày nay không còn là thời của cá lớn nuốt cá bé, mà cá nhanh sẽ thắng con cá bơi chậm. Vì lẽ đó cơ hội chiếm lĩnh thị phần và tạo dựng ảnh hưởng tích cực trên thị trường sẽ đến với DN nhỏ nếu đủ sức sáng tạo.
Song ông Chiến cũng lưu ý, với giải pháp công nghệ không dễ nhưng cũng không là quá khó để nhiều DN có thể cùng tham gia, bằng chứng là nhiều DN có thể làm các ứng dụng đa năng và đã xuất hiện trên thị trường. Nhưng để trở thành một mô hình kinh doanh hiệu quả cần đặc biệt chú ý đến hai mảng chức năng quan trọng: kinh doanh (bao gồm tiếp thị và bán hàng) và quản trị (kết nối chức năng, tối ưu hóa vận hành hệ thống). Nếu làm tốt DN trong nước hoàn toàn có thể tự tin trong cuộc đua này. 
Thực tế trước đây trên thị trường gọi xe công nghệ, Uber được xem là gã khổng lồ, nhưng lại bị Grab mua lại ở thị trường Đông Nam Á. Ngay ở Việt Nam tuy Grab vào sau, nhưng nhờ những bước đi rất nhanh không chỉ trong mảng Grab car, mà ở mảng Grab moto nên Uber đã bị bỏ lại rất xa.
Thành công này có được cũng một phần vì Grab rất hiểu người tiêu dùng Việt Nam cũng như người dùng Đông Nam Á. Đó là lý do để phần nào tin tưởng ứng dụng của Việt Nam là Zalo, cũng có thể làm nên chuyện trong cuộc đua với những ông lớn. 

Các tin khác