Giá thép tăng ai lợi, ai thiệt?

(ĐTTCO) - Tính từ tháng 7 đến nay giá thép đã không ngừng tăng mạnh, hiện giá thép được ghi nhận ở mức từ 590 - 620USD/tấn, tăng cao nhất kể từ năm 2009, chỉ thấp hơn mức đỉnh của năm 2008 là 700USD/tấn.
Giá thép tăng ai lợi, ai thiệt?
Đâu là nguyên nhân khiến giá thép trong nước tăng cao liên tục như vậy?
Theo đại diện của Công ty Thép Pomina, nguyên nhân chính do giá nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước như thép phế tăng cao. Cụ thể, giá thép phế liệu từ mức 260USD/tấn vào cuối tháng 7 đã tăng lên hơn 300USD/tấn vào đầu tháng 8 và tiếp tục nhích lên xoay quanh mức 340USD/tấn trong tháng 9. Ngoài ra, giá than điện cực tăng cao cũng ảnh hưởng tới giá thép bán ra thị trường.
Theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), vào cuối tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó ra lệnh đóng cửa các mỏ chì không đủ tiêu chuẩn. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung than điện cực chì- một nguyên liệu dùng trong sản xuất thép bằng lò điện, mặc dù có hệ số rất nhỏ 0,007 tấn/1 tấn thép nhưng cũng chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất theo công nghệ EAF. Giá than điện cực chì đã tăng tới 4 lần trong quý II tại thị trường Trung Quốc.
VSA cũng dự báo, giá phôi sẽ ở mức cao, lên tới 10,7 triệu đồng/tấn, tương đương với giá thép thành phẩm. Thậm chí, thiếu than điện cực chì trong thời gian dài sẽ dẫn tới khả năng gián đoạn hoạt động. Thị trường thép sẽ thiếu hụt nguồn cung phôi và thép thành phẩm, đặc biệt là khu vực phía Nam khi hầu hết các nhà máy thép đều sử dụng công nghệ EAF này.
Giá thép tăng liên tiếp sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng, nhất là cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Lẽ dĩ nhiên khi giá thép tăng người dân có nhu cầu xây dựng, các chủ đầu tư các công trình sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thép liên tục tăng cao như hiện nay, có đơn vị nào được hưởng lợi hay không? Trước tiên việc xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn do giá trong nước bắt nhịp chậm hơn giá thế giới, nên khi giá thép thế giới tăng cơ hội bán hàng của DN Việt Nam lại càng lớn.
Bằng chứng là  kim ngạch xuất khẩu sắt thép trong 8 tháng qua vẫn mang về lượng ngoại tệ tới 1,83 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Theo VSA, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của ngành sắt thép trong 8 tháng qua, với lượng xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn, chiếm tới 58% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Các sản phẩm Việt Nam có lượng xuất khẩu tăng trưởng tốt là ống thép hàn (tăng 320%), thép xây dựng (tăng 45%), tôn mạ (tăng 24%)... 
Đó là ở mảng xuất khẩu, còn thị trường trong nước trong cơn bão tăng giá liên tục thời gian qua liệu các DN sản xuất có được hưởng lợi. Theo phân tích một trong hai nguyên nhân khiến giá thép tăng do giá than điện cực chì tăng, điều này ảnh hưởng đến các DN sản xuất theo công nghệ EAF, còn với những DN sản xuất chủ yếu bằng công nghệ BOF như Hòa Phát lại ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố này, nên có thể đẩy mạnh nguồn cung trong những tháng cuối năm. 
Thị trường cũng bắt đầu dấy lên những lo ngại về việc có hay không khi giá thép tăng một vài DN cũng nhân cơ hội “thổi giá”. Đó là chưa kể những người kinh doanh thép xây dựng trên thị trường cũng có thể nhân cơ hội giá thép đang “nhảy múa” kiếm thêm lợi nhuận. Và cuối cùng chỉ có người mua là thiệt hại nhất. Chính vì thế các cơ quan quản lý cần bám sát giá thị trường trong nước và thế giới để tránh hiện tượng chênh lệch, hoặc giá đi quá xa so với thực tế. 

Các tin khác